Kịch bản chứng khoán Việt 2 tháng cuối năm: Nhìn về phía Mỹ - Trung
Các chuyên gia dự báo chứng khoán Việt hai tháng cuối năm sẽ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc...
Chứng khoán Việt tháng 10 biến động mạnh khi đồng loạt các chỉ số giảm sâu. Vốn hóa thị trường tháng 10 "bốc hơi" 399.000 tỷ đồng (trên 17 tỷ USD). Các mã cổ phiếu lớn, trụ cột của các sàn giảm điểm với biên độ lớn.
Nghịch lý thị trường
Chứng khoán là hàn thử biểu phản chiếu sức khỏe nền kinh tế. Mới đây trong cuộc họp thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao năm nay đều có thể đạt và vượt, GDP khả năng đạt trên 6,7%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%… Bức tranh kinh tế Việt Nam khả quan, nhưng thị trường chứng khoán lại phản ứng ngược lại như một nghịch lý nguyên tắc vận động.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Tp.HCM (SHS) cho rằng, những năm trước đây khi thị trường giảm điểm sâu, nếu khó lý giải thì thường đổ cho tâm lý nhà đầu tư.
"Tôi từng chứng kiến những lúc thị trường bốc hơi 2 tỷ USD trong một phiên giao dịch, cuối cùng đều đổ cho tâm lý. Tháng 10, chứng khoán Việt "bốc hơi" gần 400.000 tỷ đồng, chưa bao giờ trong lịch sử tháng 10 mà rớt sâu như vậy. Câu chuyện giảm điểm đầy nghịch lý và được cộng hưởng bởi những lo ngại sụt giảm của chứng khoán Mỹ và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đợt bán tháo có thể sắp kết thúc", ông Điệp phân tích.
Ông Nguyễn Hồng Điệp
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nghịch lý này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm sâu trong khi các yếu tố vĩ mô của họ không hoàn toàn tiêu cực. Yếu tố ảnh hưởng thực sự chỉ là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng giới đầu tư vẫn bán tháo ào ạt khiến cả thế giới bị ảnh hưởng.
Ông Minh cho rằng, chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi chứng khoán Mỹ, Trung Quốc là rất lớn bởi lẽ đây là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng là những nền kinh tế trụ cột của thế giới.
Kịch bản 2 tháng cuối năm: Nhìn về phía Mỹ - Trung
Chỉ còn 2 tháng nữa, năm 2018 sẽ khép lại, chứng khoán Việt lần lượt trải qua những cung bậc thăng trầm. Việc dự báo thị trường trong giai đoạn cuối năm cũng là một thách thức đối với giới chuyên gia và các tổ chức tài chính, bởi những diễn biến phức tạp từ yếu tố bên ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Điệp nhận thị trường hiện nay đang phụ thuộc lớn vào thị trường chứng khoán Mỹ. Phiên nào chứng khoán Mỹ tăng thì Việt Nam ngay lập tức hồi và ngược lại.
"Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư khá tốt, điểm sáng ở châu Á, không phải là nơi mà họ sẽ rút vốn. Nhiều tín hiệu cho thấy khối ngoại bán ròng nhưng điều này không thể hiện quan điểm của nhà đầu tư ngoại mà chỉ là một số quỹ chốt lời hoặc đến thời gian đáo hạn. So với Indonesia, Thái Lan, đầu tư của khối ngoại ở Việt Nam vẫn thấp. Dòng vốn rút đi thì dòng vốn khác lại tìm đến", ông Điệp phân tích.
Theo ông Điệp, để dự báo thị trường chứng khoán Việt 2 tháng cuối năm phải nhìn sang phía Mỹ - Trung Quốc. Liệu thị trường Mỹ có hồi phục được hay không thì cần phải đặt trong bối cảnh nước Mỹ. Ngày 6/11 tới, nước Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội, dù kết quả ra sao thì thị trường chứng khoán cũng sẽ "tháo được ngòi nổ".
Về chỉ số, vị chuyên gia nhận định VN-Index về ngưỡng 880 điểm để lên ngay sẽ rất khó, nhưng có thể sẽ không thủng. Trong tháng 11 đà bán tháo sẽ dừng lại. Dòng tiền của nhà đầu tư hiện nay dùng đòn bẩy rất thấp, hiện tượng bán giải chấp (margin call) được giảm thiểu, rủi ro được kiểm soát.
"Dòng tiền lớn vẫn trực chờ ở ngưỡng cửa thị trường chờ cơ hội. Thanh khoản thị trường hiện khá thấp và có thể duy trì. Tháng 11 sẽ ở giai đoạn tích luỹ, thị trường sẽ thực sự khởi sắc vào tháng 12. Tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực, chứng khoán năm 2018 sẽ đóng cửa ở mức trên 1.000 điểm", vị chuyên gia nhận định.
Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng quá khó để dự đoán được chứng khoán Việt trong 2 tháng cuối năm bởi phụ thuộc vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới và cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 11.
Đây là cuộc gặp rất quan trọng để xác nhận Mỹ có đánh thuế Trung Quốc 250 tỷ USD không. Nếu cuộc gặp tốt đẹp thì tâm lý nhà đầu tư như được cởi trói, còn nếu diễn biến xấu thì thị trường sẽ phải hứng chịu một đợt sụt giảm nữa.
"Khó có thể dự đoán chứng khoán cuối năm vì đến giờ chưa ai có thể nói trước về cuộc họp này. Về tỷ giá, FED có thể chưa tăng lãi suất ngay trong tháng 11 do đó thị trường sẽ dễ thở hơn và xu hướng của thị trường sẽ rõ ràng hơn trong tháng 12 sau khi có kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập", ông Minh phân tích.
Như vậy, có thể thấy rõ sự phụ thuộc của chứng khoán Việt với thị trường chứng khoán Mỹ. Trong một báo cáo phân tích mới đây, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định sự đan xen giữa tham lam và sợ hãi làm ranh giới giữa cơ hội và rủi ro trở nên mong manh.
Bất kỳ một tín hiệu nào được cho là "nghiêm trọng" ảnh hưởng với tăng trưởng, thị trường Mỹ sẽ chao đảo. Và tín hiệu thấy rõ nhất trong thời gian qua là lạm phát và lãi suất.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh
"Đồng USD mạnh lên khi FED nâng lãi suất khiến các khoản đầu tư ra nước ngoài bị lỗ tỷ giá. Chỉ số Dollar Index tăng mạnh từ giữa tháng 4 chính là khởi đầu cho sự đảo chiều của dòng vốn ở các thị trường mới nổi.
Rủi ro tại châu Âu gia tăng bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trong khi các lỗ hổng tài khóa, ngân hàng như tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia sẽ còn lâu mới có thể khắc phục. Thị trường mới nổi đối mặt với nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm.
Trong tương lai, tốc độ tăng lương, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng FED nâng lãi suất …. và đặc biệt là lợi tức trái phiếu Mỹ sẽ đều có thể là những chỉ báo khiến chứng khoán Mỹ rơi vào đợt sụt giảm thứ 3", ông Linh nhận định.
VnEconomy