Kịch bản nào cho bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm mạnh?
Việc giảm lãi suất điều hành kết hợp cùng động thái nới lỏng các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến giới chuyên gia lạc quan đặt ra kịch bản mới về sự trở lại mạnh mẽ của thị trường bất động sản thời gian tới.
Lãi suất giảm nhanh tạo cơ hội để bất động sản phục hồi
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cùng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Ngay cả các ngân hàng vốn chiếm lợi thế huy động nhờ lãi suất cao nay cũng đồng loạt “hạ nhiệt”.
Đơn cử, tính đến ngày 24/3, tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn ở mức 7,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 7,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 36 tháng còn 8,2%/năm. Đây là các mức lãi suất áp dụng cho hình thức gửi trực tuyến.
Cao hơn một chút song lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng Bảo Việt Bank, ABBank, VietBank, và SaigonBank chỉ dao động từ 8,7% - 8,9%/ năm. Trong khi đó, VPBank và MSB chỉ áp dụng lãi suất tiết kiệm 6 tháng mức 8,3%; ACB thấp hơn với 8,25%.
Riêng bốn ngân hàng có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank, mức lãi suất huy động đang được xem thấp nhất thị trường. Tại Agribank, mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết là 7,2%/năm. Việc lãi suất huy động giảm là cơ sở để hạ lãi suất cho vay, kích thích nền kinh tế phát triển.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, mặt bằng lãi suất đã ở mức quá cao. Ông cho rằng, nếu lạm phát ở mức khoảng 4%, thì lãi tiết kiệm khoảng 6 - 7%/năm là phù hợp để lãi vay không ở mức quá sức chịu đựng với doanh nghiệp. Với quan điểm tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng lãi suất cho vay nên dần được kéo xuống dưới 9% là phù hợp.
Bất động sản ở thực trở lại guồng tăng trưởng, giá sắp lên đỉnh mới
Sự tăng trưởng hay trầm lắng của thị trường bất động sản luôn có liên hệ mật thiết với lãi suất ngân hàng. Trong đó, bất động sản ở thực sẽ là “mảnh đất” màu mỡ nhất nhưng cũng cạnh tranh nhất khi nhu cầu của thị trường vọt tăng nhờ các nút thắt về tín dụng được tháo gỡ.
PGS.TS Ðinh Trọng Thịnh nhận định: "Nếu lãi suất cho vay hạ, thị trường địa ốc sẽ đón nhận tín hiệu thanh khoản tốt. Ðây chính là cơ sở để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại. Thực tế suốt thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đều rất tập trung để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản".
Bên cạnh việc hưởng lợi từ dòng vốn “rẻ”, phân khúc bất động sản ở thực còn được thừa hưởng lợi ích kép khi kinh tế phục hồi và thu nhập của người dân tăng lên. Bởi ưu tiên hàng đầu của người dân luôn là nâng cao chất lượng sống, tìm kiếm không gian sinh hoạt phù hợp. Đây là căn cứ quan trọng để nhận định phân khúc này sẽ là ngách sản phẩm có khả năng quay lại guồng tăng trưởng sớm nhất trong thời gian tới.
Đó cũng là quan điểm của ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam. Vị này cho rằng các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở vẫn luôn là tâm điểm thị trường. Hầu hết các dự án đều có tỷ lệ bán hàng khá cao (trên 70% giỏ hàng) trong thời gian bình quân 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc này đang rất khan hiếm và có xu hướng ngày càng giảm, các dự án có mức giá 1 - 2 tỷ đồng/căn đã cạn kiệt.
Các chuyên gia dự báo, trong những tháng tới, nếu các biện pháp gỡ khó vẫn chưa “đủ liều”, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ quyết định ưu tiên tăng trưởng hơn lạm phát. Khi đó, lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm, bắt đầu từ quý II/2023. Đây sẽ là cú hích khiến giá bất động sản ở thực bật tăng trở lại mạnh mẽ.
“Cả khách hàng có nhu cầu về nhà ở cũng như nhà đầu tư khôn ngoan sẽ đều biết chọn thời điểm này để xuống tiền trước khi giá nhà thiết lập mặt bằng mới”, một chuyên gia nhận định.
Nhịp sống thị trường