Kịch bản nào cho chứng khoán Việt cuối năm nay?
Nếu kịch bản mà tốt hơn là hai bên Mỹ và Trung ngồi vào bàn đàm phán, thị trường sẽ diễn biến tích cực, VN-index dao động trong khoảng 1.100 đến 1.200 điểm.
- 28-08-2018Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) phát hành 8 triệu cổ phiếu giá chưa bằng 1/5 thị giá
- 22-08-2018Hợp đồng tương lai vượt xa VN30, tín hiệu lạc quan đang trở lại với thị trường chứng khoán?
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam – CN TP.HCM đã đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index trong giai đoạn cuối năm 2018, trong đó yếu tố tác động chính đến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ông có nhận định gì về diễn biến thị trường chứng khoán Việt trong 8 tháng đầu năm nay?
Thị trường Chứng khoán (TTCK) từ đầu năm đến nay có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ trước tháng 4 trở về trước thị trường giao dịch khá tốt về điểm số, thanh khoản do các chỉ số về tăng trưởng kinh tế và cũng được thẩm thấu nhờ các chính sách từ Chính phủ.
Tuy nhiên, từ gần cuối tháng 4 trở đi, khi bắt đầu xuất hiện cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến cho nhà đầu tư bắt đầu hoang mang lo ngại, rút vốn dần, chọn giải pháp bán nhiều hơn là mua vào. Việc Mỹ bảo hộ thị trường nội địa dẫn đến giá trị đồng USD tăng lên làm cho dòng vốn ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam bị hút ngược trở về Mỹ. Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ròng và một phần trong số đó chuyển về Mỹ làm cho TTCK Việt Nam giảm xuống sâu hơn mức người ta có thể dự kiến.
Xu hướng giảm kéo dài, mới hồi phục khoảng 1 tháng nay và mức hồi phục cũng chưa ổn định thông qua thanh khoản còn khá thấp.
Như ông vừa đề cập thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, hiện VN-Index tiệm cận 1.000 điểm. Vậy ông đánh giá ra sao về thị trường trong ngắn hạn?
Trong ngắn hạn tôi nghĩ thị trường vẫn sẽ là những phiên tăng giảm đan xen. Lý do là về lý thuyết thị trường đang có những thông tin tích cực hơn ví dụ như BCTC quý III vào cuối tháng 9 sẽ có và thường quý này số liệu cũng đẹp hơn 2 quý trước.
Thứ hai là sắp qua tháng 7 âm lịch, văn hóa kinh doanh ở Việt Nam tất cả các ngành nghề, không riêng gì chứng khoán các giao dịch thường không được sôi động mà rất trầm lắng trong tháng này. Việc qua tháng 7 sẽ hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên vẫn có một số thông tin chưa tốt còn hiện hữu đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng, thậm chí đang có khuynh hướng xấu hơn. Thời gian qua những thông tin đó trên phương tiện truyền thông là chính nhưng hiện giờ sau khi các hàng rào thuế quan áp dụng thì độ thẩm thấu mức độ tác động hiện nhiều hơn, lan tỏa ra.
Không những vậy, bây giờ người ta bắt đầu nói đến chiến tranh về tiền tệ, khi mà Trung quốc đã phá giá 10% tiền NDT, các quốc gia xung quanh khác cũng đã phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho sản phẩm được sản xuất trong nước đẫn dến sự lan tỏa của hệ qủa đó ngày càng nhiều hơn.
Kết hợp giữa hai yếu tố đó, cộng thêm FED trong tháng 9 có khả năng tiếp tục tăng lãi suất làm cho thị trường hãm bớt đà hưng phấn cũng như khả năng bật tăng. Thông thường thị trường có thể bước vào một uptrend mới, nhưng với những thông tin tiêu cực đan xen như vậy, khả năng thị trường khó tăng mạnh mà sẽ là tăng - giảm đan xen.
Cá nhân tôi nghĩ do có những yếu tố thông tin tích cực ở phía trước khả năng thị trường tăng điểm nhiều hơn, giá cổ phiếu sẽ tăng hơn thời điểm trước nhưng sẽ không tăng mạnh.
Kịch bản cho VN-Index giai đoạn cuối năm sẽ ra sao, thưa ông?
Nếu cuối năm, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ còn nặng hơn nữa thì tình hình có thể biến động xấu hơn. Tuy nhiên, dựa vào những diễn biến cho tới thời điểm này thì có thể dự đoán VN-index có thể dao động trong khoảng từ 1000 – 1100 điểm, đó là kịch bản trung tính.
Nếu kịch bản mà tốt hơn là hai bên Mỹ và Trung ngồi vào bàn đàm phán, thị trường sẽ diễn biến tích cực, VN-index dao động trong khoảng 1.100 đến 1.200 điểm.
Ở kịch bản xấu nhất cuộc chiến ngày càng lan rộng, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều họ sẽ có những phản ứng, tôi nghĩ thị trường sẽ dao động ở mức dưới 1.000 điểm.
Vậy ông có lời khuyên gì với giới đầu tư trong bối cảnh hiện nay?
Nhà đầu tư nên bám sát thị trường, không thể đầu tư một cách chủ quan. Phải bám sát tốc độ diễn biến thị tường để có thể ra, vào hợp lý. Nguyên lý của thị trường đơn giản thôi, khi thị trường giảm nhiều có thể cân nhắc mua dần, khi thị trường tăng cân nhắc bán ra. Nhà đầu tư cần tận dụng những nhịp đó để tìm kiếm lợi nhuận.
Ngoài ra, trong các cổ phiếu sẽ có những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt hơn hoặc có những thông tin tích cực bằng những dự án, những chỉ số được cải thiện, NĐT cần phân tích, gạn lọc cổ phiếu để có thể đầu tư thì khả năng sinh lời cao hơn.
Tôi vẫn tin cổ phiếu ngân hàng vẫn là cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Thứ hai là cổ phiếu ngành chứng khoán được hưởng lợi do thị trường phái sinh. Thứ ba là cổ phiếu bất động sản cũng là ngành đáng để nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra có thể cân nhắc một số bluechips…
Xin cảm ơn ông!
BizLIVE