Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19?
Theo quan điểm của CTCP Chứng khoán VNDIRECT, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là 6%, giảm so với mức dự phóng 6,8% vào đầu năm.
- 17-03-2020Chân dung tân Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương 43 tuổi
- 17-03-2020TS. Vũ Thành Tự Anh: Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Covid-19 có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020?
- 17-03-2020Đại sứ Anh: Rất nhiều du khách Anh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam!
Báo cáo mới nhất của VNDIRECT nhận định: Triển vọng tăng trưởng kinh tế kém đi do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo VNDIRECT, hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó dịch bệnh. Chỉ thị số 11 của Thủ tướng vào đầu tháng 3/2020 cho thấy sự hợp tác giữa tổ chức tín dụng và Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Cụ thể, 10 ngân hàng thương mại đã cam kết đưa ra một gói tín dụng trị giá 250.000 tỷ đồng với điều kiện ưu đãi đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ví dụ mức giảm lãi suất từ 0,5-1,5% điểm cơ bản sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hay một số ngân hàng sẽ miễn phí phạt đối với nợ quá hạn hoặc miễn phí đối với các giao dịch thanh toán quốc tế đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số giải pháp cho những doanh nghiệp đang chịu thiệt hại như miễn thuế, phí và gia hạn thời hạn thanh toán thuế và tiền thuê đất. Tổng giá trị gói kích thích tài khóa này ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (~0,5% GDP).
Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng mục tiêu của cả hai gói hỗ trợ là nhằm giải tỏa vấn đề khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn nên những gói này chỉ phần nào giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ dịch bệnh lên các nhóm doanh nghiệp, ngành nghề bị ảnh hưởng.
Hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh thu từ lĩnh vực du lịch có thể thiệt hại khoảng 2,5-3,0 tỷ USD, xuất khẩu sụt giảm 10,2 tỷ USD và vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,5 tỷ USD trong nửa đầu năm do dịch bệnh, phần lớn sẽ rơi vào quý đầu năm.
Đơn vị này cũng ước tính tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2020 sẽ giảm chỉ còn khoảng 4,8-5,4% so với cùng kỳ, trước khi phục hồi lại mức 6,7-6,9% trong nửa sau của năm 2020.
Do đó, ước tính tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 5,96-6,25%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đầu năm là 6,8%.
Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng ước tính trên chưa kể tác động tiêu cực của hạn hán và ngập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long và giá dầu giảm về mức thấp đối với lĩnh vực nông nghiệp và khai khoáng.
Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và mức thiệt hại sẽ dao động từ 675 triệu – 3,7 tỷ USD (tương đương 0,3-1,4% GDP).
"Chúng tôi cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng rơi vào kịch bản vừa đến rất xấu theo đánh giá của ADB với giả định lĩnh vực du lịch sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ 3-6 tháng và dòng vốn đầu tư và tiêu dùng trong nước suy giảm" - đơn vị này cho biết.
Theo đó, sự phục hồi tăng trưởng cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời gian dịch bệnh được kiểm soát không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Hiện tại, kịch bản cơ sở của VNDIRECT đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 6%, giảm so với dự phóng 6,8% vào đầu năm.