Kịch bản nào cho lạm phát năm 2016?
Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2016 chủ yếu đến từ việc tăng giá của các mặt hàng dưới sự điều hành của Chính phủ như điện, nước, y tế, giáo dục,... Tỉ lệ lạm phát cả năm 2016 dự báo vào khoảng 2,5%.
- 01-06-2016"Kỳ vọng lạm phát năm 2016 có thể dưới 5%"
- 28-05-2016Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không để lạm phát những tháng đầu năm làm tăng lạm phát kỳ vọng
- 28-05-2016Thống đốc Lê Minh Hưng: Gỡ khó cho doanh nghiệp, không chủ quan lạm phát
Hồi đầu năm, nhiều dự báo đưa ra mức lạm phát cho năm 2016 của Việt Nam ở mức 2,5%. Cụ thể, theo các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì: Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp với các cơ sở chính như cung tiền được kiểm soát tốt trong suốt thời gian qua. Hơn nữa, cầu tiêu dùng có sự phục hồi nhưng chưa bứt phá và tâm lý tiết kiệm chi tiêu của người dân khó có thể sớm cởi bỏ trong bối cảnh nhiều rủi ro còn tồn tại, đặc biệt là từ phía thế giới. Yếu tố tiếp theo tác động đến lạm phát là triển vọng giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thế giới ở mức thấp, đặc biệt là giá dầu thô.
“Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2016 chủ yếu đến từ việc tăng giá của các mặt hàng dưới sự điều hành của Chính phủ như điện, nước, y tế, giáo dục,... Tỉ lệ lạm phát cả năm 2016 dự báo vào khoảng 2,5%” - chuyên gia của VCBS cho biết.
Với dự báo trên thì đồng nghĩa với việc tiền trong túi của chúng ta sẽ giảm sức mua đi 2,5% giá trị trong năm 2016. Cụ thể hơn, nếu chúng ta có 1 tỉ gửi ngân hàng với lãi suất cao nhất hiện nay khoảng 8%/năm thì sau 1 năm số tiền lãi chúng ta thực thu về còn 55 triệu (trừ mức lạm phát 2,5%).
Cũng liên quan đến góc độ lạm phát, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2016, theo đó, CPI đã tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng tháng năm 2015…Tính dồn sau 5 tháng đầu năm, so với tháng 12 năm trước CPI của cả nước đã tăng 1,88%.
Cơ quan thống kê cũng cho biết CPI tháng 5 được ghi nhận là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, tháng 5.2016 cũng được ghi nhận là tháng có 11 nhóm hàng đồng loạt tăng giá so với tháng trước trong vòng 3 năm qua.
Với diễn biến lạm phát đang trên đà tăng trở lại, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra thông điệp về kiểm soát lạm phát của Chính phủ là: Kiểm soát lạm phát không quá mức 4-5%, Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, có thể đảm bảo việc kiểm soát lạm phát tăng không quá từ 4-5% trong năm 2016. Không để lạm phát năm 2016 tăng cao, không để diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm làm tăng lạm phát kỳ vọng.
Ở một diễn biến có liên quan, trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố vừa qua thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được, trong khi lạm phát có thể vượt dự kiến 5%.
VEPR đã đưa ra 2 kịch bản lạm phát và GDP cho năm 2016, đáng chú ý là dù ở kịch bản nào thì tăng trưởng kinh tế năm nay cũng khó đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, với kịch bản thứ nhất lạm phát là 4,24% thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,05%. Kịch bản thứ hai khi GDP “nhích” lên 6,38% thì lạm phát chạm mức 5,17%.
Với các phân tích, nhận định nêu trên thì rõ ràng nền kinh tế trong nước còn đứng trước nhiều vấn đề chưa thực sự thuận lợi, và để cải thiện tốc độ tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế, chắc chắn cần phải có quyết tâm cải cách thực sự mạnh mẽ, quyết liệt nhằm tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn lực theo hướng chất lượng cao hơn. Cải cách thể chế kinh tế, hành chính có ý nghĩa quyết định. Chỉ với những nỗ lực cải cách với cam kết cao, Việt Nam mới có hy vọng kiểm soát được mức tăng trưởng khoảng trên 6% (trong điều kiện bối cảnh quốc tế thuận lợi).
Lao động