MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản Phố Wall đấu Reddit liệu có xảy ra tại Trung Quốc?

07-02-2021 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Kịch bản Phố Wall đấu Reddit liệu có xảy ra tại Trung Quốc?

Giới phân tích nhận định kịch bản tương tự khó xảy ra tại Trung Quốc.

Cơn sốt bán khống gần đây trên Phố Wall sẽ không thể xảy ra tại Trung Quốc, nơi có rất nhiều các quy định chặt chẽ trên thị trường.

Bán khống ở đây được hiểu là chiến lược kinh doanh khi nhà đầu tư đặt cược rằng giá cổ phiếu hoặc tài sản nào đó giảm trong tương lai.

Để có thể bán khống một cổ phiếu, các nhà đầu tư sẽ đi mượn cổ phiếu đó và bán chúng, sau đó mua lại số cổ phiếu đó ở giá thấp hơn và hưởng phần chênh lệch. Nếu giá cổ phiếu không hạ xuống, nhà đầu cơ sẽ cố gắng tối thiểu hóa khoản thua lỗ bằng cách mua lại số cổ phiếu đó với giá cao hơn so với thời điểm bán ra.

Các nhà đầu tư tại Trung Quốc ít khả năng bán khống cổ phiếu bởi những quy định pháp lý chặt chẽ tại quốc gia này.

Kể từ tháng trước, hàng triệu nhà đầu tư cá nhân đã đổ xô vào diễn đàn WallStreetBets trên Reddit. Họ cùng nhau thổi giá các cổ phiếu mà nhiều quỹ phòng hộ đã bán khống, hay nói cách khác, đặt cược rằng giá các cổ phiếu đó sẽ giảm xuống.

Một làn sóng giao dịch được thực hiện thông qua các bên môi giới chứng khoán, như ứng dụng Robinhood, khiến cho giá các cổ phiếu được bán khống như GameStop, công ty kinh doanh trò chơi điện tử, tăng tới 400% chỉ trong 1 tuần.

Cổ phiếu của GameStop và nhiều doanh nghiệp khác, được nhắm tới bởi cộng đồng người dùng Reddit, sau đó giảm giá thảm hại, nhưng trước đó, một vài quỹ bán khống các cổ phiếu này hứng chịu khoản thua lỗ lên tới hàng tỷ USD.

Kịch bản Phố Wall đấu Reddit liệu có xảy ra tại Trung Quốc? - Ảnh 1.

Giới phân tích nhận định kịch bản Reddit đấu Phố Wall khó xảy ra tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Tại sao thị trường chứng khoán Trung Quốc lại khác biệt?

Dưới đây là những phân tích từ các chuyên gia khi họ nhận định tình trạng tương tự sẽ không thể xảy ra tại Trung Quốc:

Đầu tiên, khái niệm bán khống vẫn còn tương đối mới và phạm vi vẫn rất hạn chế tại Trung Quốc, nơi nhà chức trách đề cao việc kiểm soát rủi ro.

Các nhà lập pháp Trung Quốc chỉ bắt đầu cho phép bán khống từ khoảng 10 năm về trước, và giá trị của các khoản đầu tư này được duy trì dưới 1% tổng vốn hóa thị trường.

Quy trình bán khống tại Trung Quốc cũng không có nhiều khác biệt so với ở Mỹ. Các nhà giao dịch tạo ra lợi nhuận thông qua việc vay mượn cổ phiếu, bán chúng đi, rồi mua lại chúng trong tương lai khi giá của các cổ phiếu đó đã giảm.

Nhưng một điểm khác tại Trung Quốc đó là nhà đầu tư chỉ được bán khống một phần nhỏ lượng cổ phiếu giao dịch trên hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.

Danh sách các cổ phiếu, khoảng 1.600 mã hoặc hơn, thường xuyên được thay đổi và thường chỉ bao gồm các doanh nghiệp có nền tảng tốt, theo Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược kinh tế vĩ mô tại China Renaissance.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với môi trường bán khống tại Mỹ, nơi các quỹ đầu tư thường nhắm vào các công ty như GameStop thông qua các điểm yếu trong hoạt động kinh doanh của họ.

Khả năng bán khống các cổ phiếu tại Trung Quốc bị giới hạn ở mức 10% hoặc 20% biên độ giá hàng ngày đã khiến cho các nhà đầu cơ không mặn mà với hình thức giao dịch này, thay vào đó, đổ tiền vào các chiến lược đầu tư khác, ví dụ như đẩy giá cổ phiếu trước khi bán chúng.

Tại Mỹ, quá trình giao dịch các cổ phiếu riêng lẻ có thể sẽ bị đình chỉ nếu như gây ra sự biến động quá lớn trên thị trường, và hệ quả cuối cùng vẫn là sự biến động của giá cổ phiếu, giống như trường hợp của GameStop khi giá cổ phiếu của cổ phiếu này có lúc tăng hơn 130% chỉ trong 1 phiên và nhưng lại giảm 44% vào phiên kế tiếp.

Ổn định bằng mọi giá

Các nhà lập pháp Trung Quốc đề cao sự ổn định trong quá trình xây dựng các chính sách kinh tế và tài chính, ngay cả khi họ muốn cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài và nâng tầm vị thế của các thị trường chứng khoán là kênh kêu gọi vốn hiệu quả cho doanh nghiệp quốc gia này.

Tâm lý đó đã ảnh hưởng tới các nhà đầu tư chứng khoán - những người cho rằng với sự trợ giúp “ngầm” từ Bắc Kinh, giá cổ phiếu sẽ chỉ đi lên. Sự suy diễn này làm dấy lên hiện tượng đầu cơ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khiến nhiều người mô tả thị trường này bằng biệt hiệu “casino”.

Nhưng với việc có tới hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, thay vì các định chế tài chính, đang áp đảo các giao dịch chứng khoán Trung Quốc, giới lập pháp Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm hạn chế mức tối đa hiện tượng thua lỗ trên diện rộng, coi đó là một phương thức hiệu quả để đảm bảo sự ổn định trên thị trường.

Điều đó có nghĩa các cơ quan chức năng sẽ áp dụng nhiều hơn các biện pháp phòng ngừa nhằm kiểm soát thị trường, và chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nhà đầu tư cá nhân nếu như họ muốn tạo nên một “cơn sốt” tương tự như những gì đã xảy ra tại Mỹ.

Theo Trọng Đại

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên