MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch tính giá cà phê cuối tuần

12-10-2024 - 07:49 AM | Thị trường

Giá cà phê gần đây tăng, giảm thất thường khiến việc dự đoán giá trở nên bất khả thi

Rạng sáng 12-10 (giờ Việt Nam), kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta chốt phiên ghi nhận mức giảm mạnh đến 88 USD/tấn, còn 4.826 USD/tấn (khoảng 119.000 đồng/kg), ở kỳ hạn giao tháng 11. Vào đầu phiên giao dịch, giá cà phê ở kỳ hạn này nhiều lúc tăng, mức tăng cao nhất là 46 USD/tấn nhưng không giữ được lâu khiến diễn biến giá của mặt hàng này thêm kịch tính. 

Ở các kỳ hạn giao hàng khác, giá cà phê Robusta cũng có nhiều thời điểm tăng giá nhưng chốt phiên giảm từ 49 – 62 USD/tấn, thấp nhất là kỳ hạn cà phê giao trong tháng 5-2025, còn 4.426 USD/tấn.

Không chỉ cà phê Robusta, cà phê Arabica trên sàn New York (Mỹ) cũng chốt phiên ở sắc đỏ ở cả 4 kỳ hạn giao hàng. Kỳ hạn giao hàng trong tháng 12, cà phê Arabica ở mức 5.560 USD/tấn (khoảng 137.000 đồng/kg), giảm 60 USD/tấn so với ngày hôm trước.

Kịch tính giá cà phê cuối tuần- Ảnh 1.

Cà phê Robusta Việt Nam không dễ bị thay thế dù giá cao

Giá cà phê trên 2 sàn giao dịch chính trên thế giới giảm giữa bối cảnh Tổ chức cà phê thế giới (ICO) công bố hàng loạt thông tin bất ngờ. Trong đó, nổi bật là kết quả xuất khẩu cà phê nhân sống toàn cầu 11 tháng của niên vụ 2023-2024 đạt mức 110 triệu bao (mỗi bao 60 kg) – là mức kỷ lục lần thứ 2 trong lịch sử. Điều này cho thấy, lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung cà phê trên toàn cầu là không chính xác về mặt số liệu.

Ngay cả cà phê Robusta xuất khẩu của toàn cầu cũng tăng trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024 với tổng sản lượng 43,46 triệu bao, tăng 2,3 triệu bao (5,6%) so với cùng kỳ niên vụ trước. Các động lực chính thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hai chữ số của tháng 8 là Brazil, Ấn Độ và Indonesia. Trong tháng 8 vừa qua, nguồn cà phê Robusta từ 3 nước này xuất khẩu lên đến 1,66 triệu bao, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ICO, Việt Nam - quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất Châu Á & Châu Đại Dương, đã chứng kiến sản lượng xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ còn 24,09 triệu bao (1,445 triệu tấn).

Điều này cho thấy, trong các nguồn cung chính xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ có cà phê Việt Nam là mất mùa thật sự nhưng giá cà phê vẫn "sốt".

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) từng chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỉ USD" do Báo Người Lao Động tổ chức là cà phê Robusta Việt Nam khó bị thay thế dù giá cao nhất thế giới.

Ông cho biết nhiều khách hàng ở châu Âu mua cà phê Conilon (cà phê Robusta của Brazil) để thay thế cà phê Robusta Việt Nam khi chế biến cà phê hòa tan nhưng đã không được người tiêu dùng chấp nhận. Nguyên nhân cà phê Robuta Việt Nam có nhiều hương vị khác biệt so với cà phê Robusta của Brazil.

Ngay cả công ty của ông Nam là Intimex cũng đã từng nhập khẩu cà phê Conilon về thử phối trộn vào cà phê hòa tan do tập đoàn sản xuất nhưng không thành công.

Trong khi đó, giá cà phê trong nước suốt tuần qua tương đối "bình ổn" ở mức khoảng 110.000 - 115.000 đồng/kg, giao dịch cầm chừng do nguồn cung còn hạn chế và các bên đang chờ cà phê thu hoạch rộ trong tháng 11 và 12 tới.


Theo Ngọc Ánh

Người lao động

Trở lên trên