KIDO vẫn tìm hướng đi sau 3 năm bán mảng bánh kẹo
Dự báo diễn biến thị trường chưa sát thực tế, năm 2018, KIDO đã gặp sự suy giảm về kết quả kinh doanh ở các ngành hàng. Công ty buộc phải thay đổi chiến lược, giảm đầu tư mới, tạm hoãn ra mắt các sản phẩm mới, hạn chế tối đa các khoản chi phí.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) trong thông điệp gửi đến cổ đông đã thẳng thắn nhìn nhận thực tiễn thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không như dự báo, mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.
Làm rõ hơn, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO cho biết giá trị và sản lượng tiêu thụ ngành FMCG tăng trưởng khiếm tốn ở mức 1,99% trong năm 2018, giảm 3,4% năm trước và thấp hơn nhiều so với con số dự báo 6 - 7%.
Trung bình là vậy, nhưng trong quý IV/20178, thị trường chỉ tăng 1,3%, thậm chí là âm 0,2% trong quý đầu năm 2018. Điều này đi ngược dự báo của KIDO.
2017 là năm đầu tiên KIDO không còn kinh doanh bánh kẹo, Tập đoàn này đã hợp nhất hai doanh nghiệp dầu ăn là Vocarimex và Tường An với mong muốn gia tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Các công ty con do KIDO sở hữu
Giai đoạn này, ông Thành và ban điều hành Tập đoàn nhận định thị trường FMCG sẽ tăng trưởng tốt nên KIDO đã triển khai các hoạt động chuẩn bị cho chiến lược mở rộng ngành hàng thông qua việc có các công ty thành viên, có nhà máy ở Bắc Ninh, hợp tác liên doanh với các đối tác.
Tuy nhiên như đã nói, thị trường cạnh tranh, không như dự báo khiến KIDO phải đầu tư liên tục cho hệ thống phân phối, tăng chi phí khuyến mãi để giữ thị phần. Điều này khiến chi phí hoạt động tăng cao, ảnh hưởng lợi nhuận từ quý IV/2017 đến giữa năm 2018. Kết quả kinh doanh cũng đi xuống trong 6 tháng cuối năm. Tổng kết, 2018, KIDO chỉ đạt lợi nhuận ròng 39 tỷ đồng, chỉ bằng 9% so với năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng
Trong bối cảnh đó, Ban điều hành KIDO đã phải thay đổi, giảm đầu tư mới, tạm hoãn ra mắt các sản phẩm mới, hạn chế tối đa các khoản chi phí.
Thay đổi chiến lược với các mảng kinh doanh
Trong cơ cấu doanh thu của KIDO năm 2018, dầu ăn chiếm gần 82%, tăng hơn 4% so với năm trước. Ban điều hành cho biết với dầu ăn bán lẻ, KIDO sẽ thực hiện cao cấp hóa sản phẩm, tập trung vào sản phẩm cốt lõi có biên lợi nhuận cao thay vì chạy theo sản lượng.
Phân khúc dầu ăn cao cấp đã tăng trưởng 37% trong năm 2018, trong khi phân khúc dầu ăn phổ thông và trung cấp tăng trưởng ổn định ở mức 2,5%. Công ty cũng tạm hoãn đầu tư các ngành hàng mới.
Đối với hoạt động kinh doanh dầu ăn thương mại, Tổng giám đốc KIDO cho biết đã chuyển đổi từ kinh doanh dầu ăn thô thuần túy sang tập trung khai thác khối khách hàng kênh công nghiệp sử dụng dầu công thức và mở rộng kinh doanh xuất khẩu.
Việc chuyển đổi này đã ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng lần lượt là 35% và 18,3% trong năm 2018. Vào cuối năm 2018, KIDO cũng đã hoàn tất mua lại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (GHNB), doanh nghiệp đứng thứ 3 về thị phần.
Đối với ngành thực phẩm đông lạnh, ông Trần Lệ Nguyên thừa nhận đã lạc quan và đánh giá chưa đúng diễn biến thị trường trong nửa đầu năm 2018. Do đó, thay vì mở rộng, KIDO đã giảm mạnh hoạt động đầu tư mới, tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế tối đa các khoản chi phí phát sinh. Trong giai đoạn thâm nhập ban đầu, lợi nhuận ngành này sẽ không đáng kể và đây không phải là động lực tăng trưởng chính của KIDO.
Đối với ngành kem, từ nửa cuối năm 2018, KIDO đã quy hoạch danh mục sản phẩm ở cả phân khúc cao cấp và trung cấp, tập trung vào các sản phẩm cốt lõi.
Ngành hàng sữa chua đã trải qua đợt sụt giảm doanh thu mạnh khi thị trường cạnh tranh khốc liệt và gay gắt, đến mức các đợt khuyến mãi bào mòn đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất trong ngành. Trước bối cảnh đó, Ban điều hành đã quyết định đứng ngoài cuộc đua phá hủy giá trị và xói mòn biên lợi nhuận. Từ quý III/2018, KIDO đã chủ động loại bỏ các chi phí không hiệu quả và hạn chế đầu tư thêm vào ngành hàng sữa chua.
Năm 2019, ông Nguyên kỳ vọng ngành hàng sữa chua sẽ tăng trưởng trở lại. Ông cho biết kế hoạch phát triển và mở rộng ngành hàng sữa chua đang được triển khai một cách cẩn trọng và sẽ mở rộng phân khúc này ở thời điểm thích hợp để tăng trưởng.
Tổng giám đốc KIDO tin tưởng thị trường đang có những tín hiệu tích cực hơn. Vào thực tế từ quý III/2028, ngành FMCG đã tăng trưởng mạnh trở lại trên 3% mỗi quý và xu hướng này vẫn tiếp tục vào đầu năm 2019. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cũng gia tăng tương ứng và đưa Việt Nam lên mức xếp hạng thứ 2 trên toàn cầu.
Trong quý I, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ KIDO đạt 5,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 11,7 tỷ đồng. Theo thông tin từ KIDO, dầu Tường An đã thay đổi danh mục sản phẩm, tập trung vào dòng cao cấp và giảm phân khúc phổ thông. Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè sau nhiều năm lỗ thì quý này đã có lãi 7 tỷ đồng. Mảng kem cũng có lãi trước thuế 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 11 tỷ đồng.
NDH