Kiếm 300 triệu đồng mỗi năm từ làm mặt nạ Trung thu
Các sản phẩm mặt nạ Trung thu của làng Ông Hảo (Hưng Yên) ngày càng được thị trường đón nhận với lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên hàng năm.
Cơ duyên làm mặt nạ đến với bà Vũ Thị Thoàn (58 tuổi) ở làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cách đây 30 năm trước. Thời điểm đó, bà Thoàn nảy sinh ý tưởng làm mặt nạ giấy để cạnh tranh với mặt nạ nhựa từ Trung Quốc mà khách hàng trong nước rất ưa thích thời đó.
Sau vài năm đầu vật lộn với nghề, vừa làm, vừa cải tiến các mẫu mã, gia đình bà Thoàn đã tạo được gần 20 mẫu mặt nạ giấy và được thị trường đón nhận.
Các mẫu mặt nạ do gia đình bà Thoàn sản xuất gắn với những nhân vật cổ tích và nhân vật hoạt hình vui nhộn. Các sản phẩm được bán rộng rãi ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh khác ở miền Bắc và miền Trung.
Mặt nạ Trung thu có giá bán buôn trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ các chi phí, mỗi chiếc mặt nạ cho sinh lời từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc.
Trừ chi phí các loại, gia đình bà Thoàn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ sản xuất mặt nạ Trung thu.
Trung bình mỗi năm, gia đình bà Thoàn cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 - 25.000 chiếc mặt nạ. Năm nay, nhu cầu mặt nạ Trung thu tăng cao, gia đình bà Thoàn tăng tốc sản xuất và bán ra thị trường khoảng 30.000 chiếc.
Đặc biệt dịp Trung thu năm nay, nhu cầu mặt nạ thô (chưa sơn màu) rất cao. Nhiều trường học liên hệ đặt mua hàng nghìn chiếc để học sinh tập vẽ và vui chơi. Do nhu cầu cao và thời gian giao hàng gấp, bà Thoàn đã phải huy một số đơn hàng vì “làm không xuể.”
Hiện ở làng Ông Hảo có khoảng 5 hộ gia đình làm mặt nạ Trung thu. Nghề này kéo dài quanh năm. Qua thời điểm Rằm tháng 8, các hộ lại rục rịch chuẩn bị nguyên liệu và bắt đầu sản xuất cho Trung thu năm sau.
Một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh phải trải qua 5 khâu chính: lên khuôn, cắt gọt thô, bo viền, đục lỗ (mắt, mũi) và sơn màu. Trong ảnh: Nhân công của gia đình bà Thoàn đang thao tác bo viền cho mặt nạ.
Khâu sơn màu khá tốn công, bởi phải thực hiện lần lượt từng lớp sơn khác nhau. Trong ảnh: Nhân công của gia đình bà Thoàn thực hiện bước sơn lót.
Mặt nạ đẹp hay xấu, bắt mắt hay không phụ thuộc vào khâu sơn vẽ; do đó, đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng phối màu tốt.
Mặt nạ đầu trâu là sản phẩm được đầu tư nhiều công sức nhất, từ khâu lên khuôn đến sơn màu hoàn thiện. Đây là sản phẩm bán chạy nhất trong số các mẫu mặt nạ Trung thu.
Khuôn mặt Thị Nở qua sự tưởng tượng và đôi tay của những “thợ làng”.
Ngoài làm mặt nạ thủ công, gia đình bà Thoàn vẫn giữ nghề làm trống Trung thu từ 3 đời nay.
Trống Trung thu được bán buôn với giá từ 20.000 - 50.000 đồng tùy kích cỡ.
Theo nghệ nhân Vũ Tuất (trong ảnh), làng Ông Hảo hiện có khoảng 5 hộ còn giữ nghề làm trống truyền thống.
Thay vì dùng lạt tre, ngày nay người làm nghề đã cải tiến dùng móc sắt để kéo và bưng da trống, tạo độ căng tốt hơn cho da trống.
Người làm nghề cũng đã cải tiến dùng ghim sắt thay thế ghim tre để bưng da trống, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động từ 20 - 30 sản phẩm/ngày lên 50 - 60 sản phẩm/ngày.
Ngoài kỹ thuật bưng da, chất lượng âm thanh của trống còn phụ thuộc vào chất lượng gỗ làm tang trống.
Theo ông Tuất, nghề làm trống cho thu nhập “đủ ăn”. Hơn nữa, đây là công việc quanh năm và không lo “mưa nắng” nên đã mấy đời nay gia đình ông vẫn bám trụ với nghề. Thế hệ con, cháu ông Tuất đều thạo nghề.
VOV