Kiếm 55 triệu/tháng nhưng cuối năm chỉ dư 100 triệu, chẳng hiểu tiền đi đâu mất
Thu nhập khá ổn nhưng vẫn chẳng tiết kiệm được mấy là tình trạng chung của không ít người trong năm vừa qua.
- 27-12-2024Ngoài việc tiền ‘đẻ’ ra tiền, lý do gì người Việt thích gửi tiết kiệm?
- 27-12-2024Cô gái Hà Nội chia sẻ: Đây là 5 cách để tiết kiệm được nhiều hơn mà không cần cắt giảm chi tiêu kiệt quệ
- 27-12-2024Mỗi tháng tiêu 10 triệu, cuối năm có hơn 244 triệu tiền tiết kiệm
Nếu chỉ nghe con số "100 triệu dư ra" trong vòng 1 năm, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy "vậy là cũng ổn rồi". Trung bình mỗi tháng cũng tiết kiệm được 8,3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đối chiếu con số ấy với mức thu nhập 55 triệu/tháng, câu chuyện lại khác đi nhiều.
Không hiểu tiền đã "chạy đâu mất"
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, một cô vợ đã trải lòng về việc cả năm chẳng tiết kiệm được mấy. Với mức thu nhập của gia đình là 55 triệu/tháng - Một con số "không hề khiêm tốn", đến cuối năm, chẳng hiểu sao lại chỉ dư 100 triệu, dù hai vợ chồng không hề mua sắm, hay đi du lịch quá nhiều.
Tựu trung lại, cô cũng không rõ tiền của mình "đã chạy đi đâu".
"Ngoài lương cứng, 2 vợ chồng em đều có thu nhập bên ngoài, tổng thu nhập trung bình khoảng 55 triệu/tháng. Tiền điện thoại, xăng xe đều không phải chi, do được công ty hỗ trợ. Gia đình em cũng không đi du lịch hay ăn chơi, tụ tập, mua sắm gì nhiều, mà 1 năm qua chỉ để ra được 100 triệu. Em thấy mình kém cỏi ghê gớm trong việc vun vén chi tiêu…" - Cô chia sẻ.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đồng tình với mức thu nhập như vậy, cộng thêm việc được hỗ trợ tiền xăng, tiền điện thoại, mà cả năm chỉ dư 100 triệu thì đúng là hơi ít. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng "không đi du lịch, không ăn chơi mua sắm nhiều" có thể chỉ là cảm giác chủ quan, do không ghi chép chi tiêu, chắc chắn không thể có chuyện không tiêu mà tiền lại hết được.
Lên kế hoạch, phân bổ chi tiêu - tiết kiệm sao cho hợp lý?
Nếu vẫn còn cảm thấy băn khoăn, không biết phân bổ chi tiêu thế nào cho hợp lý để cuộc sống vừa đủ đầy, thoải mái mà vẫn có tiền tiết kiệm, bạn có thể tham khảo cách phân bổ chi tiêu theo 6 chiếc lọ.
Đây là công thức được tạo ra bởi T. Harv Eker - Tác giả của 2 cuốn sách bán Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth).
Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để duy trì thói quen tiết kiệm, đồng thời có một lối sống cân bằng (không hưởng thụ quá mức nhưng cũng không phải sống quá khổ, quá tằn tiện).
Harv Eker khuyên bạn nên chia thu nhập hàng tháng thành 6 chiếc lọ, tương đương với 6 khoản quỹ chi tiêu:
1. 55% thu nhập cho Quỹ nhu cầu thiết yếu: Chi phí sinh hoạt, ăn uống, di chuyển,...
2. 10% thu nhập cho Quỹ giáo dục: Mua sách, đăng ký tham gia các khóa học cải thiện kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn đang theo đuổi.
3. 10% thu nhập cho Quỹ trải nghiệm: Mua các sản phẩm chăm sóc bản thân hoặc mua trải nghiệm mới (đi du lịch, dùng bữa tại các nhà hàng sang trọng,...)
4. 10% thu nhập cho Quỹ tự do tài chính: Hay còn có tên gọi khác dễ hiểu hơn chính là quỹ hưu trí - khoản tiền giúp bạn sống thảnh thơi, an tâm lúc về già.
5. 10% thu nhập cho Quỹ tiết kiệm dài hạn: Khác với quỹ tự do tài chính, quỹ tiết kiệm dài hạn là khoản tiền phục vụ cho các nhu cầu lớn trong cuộc sống của mỗi cá nhân như mua nhà, mua xe, kết hôn,...
6. 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác: Đây là khoản quỹ để bạn đi làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…
Harv Eker khuyên mọi người nên lập 6 tài khoản ngân hàng khác nhau tương đương với 6 chiếc lọ trên và chia thu nhập vào từng tài khoản vào ngày đầu mỗi tháng, để tránh việc khoản quỹ này "lẹm" vào khoản quỹ kia.
Trong trường hợp bạn chưa đủ tự tin để duy trì các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống (chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại), Harv Eker khuyên bạn có thể cân nhắc dồn 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác vào Quỹ nhu cầu thiết yếu. Ông cũng nhấn mạnh rằng để duy trì thói quen tiết kiệm và có một lối sống cân bằng, khoản Quỹ giúp đỡ người khác là đầu mục duy nhất mà bạn nên cắt bỏ trong thời gian ngắn hạn.
Phụ nữ số