MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm chứng lời tiên tri cuối cùng của ông tổ ngành ô tô hiện đại - Henry Ford

04-05-2017 - 09:12 AM | Tài chính quốc tế

"Hãy nhớ lấy lời tôi: Một chiếc máy bay kết hợp với xe hơi sắp xuất hiện. Bạn có thể sẽ cười tôi, nhưng nó sẽ đến”, Henry Ford - ông tổ của hãng ô tô Ford đã tuyên bố như vậy vào năm 1940 - 12 năm sau tai nạn thử nghiệm chiếc ô tô bay đầu tiên của hãng. Gần 1 thế kỷ sau, người ta mới thấy lời nói của ông là sự thực.

Năm 1926, hãng Ford đem ước mơ tạo nên những mẫu xe tiện lợi cho mọi người dân Mỹ vào dự án "máy bay cá nhân Ford" với mục tiêu tạo ra một chiếc máy bay lai ô tô mà có thể lái được từ nhà đến sân bay. Tuy nhiên, tai nạn bay thử của phi công Harry J. Brooks đã đặt dấu chấm hết cho dự án. 12 năm sau, Henry Ford lại bất ngờ tuyên bố: "Hãy nhớ lấy lời tôi: Một chiếc máy bay kết hợp với xe hơi sắp xuất hiện. Bạn có thể sẽ cười tôi, nhưng nó sẽ đến”.

Ông tổ hãng Ford đã tiên tri về một chiếc ô tô bay sẽ trở thành hiện thực. Trong suốt nhiều thập kỷ, ô tô bay luôn là nỗi ám ảnh với nhiều nhà công nghệ, nhưng chưa có một giải pháp nào hợp lý được đưa ra. Cuối cùng thì họ cũng có một lý do để tin.

Mới đây hôm 20/4, Lilium Jet - một startup của Đức đã thực hiện thành công một số chuyến bay thử nghiệm với chiếc ô tô bay phiên bản mẫu của họ. Ô tô bay của Lilium Jet có thể cất và hạ cánh giống như máy bay trực thăng nhưng có khả năng bay nhanh như máy bay phản lực. Hiện tại, phiên bản mẫu của Lilium Jet có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 300 km/h và quãng đường bay là 300 km. Lilium cũng đang bắt đầu thực hiện một phiên bản có 5 chỗ ngồi có thể sử dụng trong môi trường đô thị theo hình thức cho thuê như Uber.

Một công ty của Đức e-volvo cũng đã tiến hành thử nghiệm ô tô bay trong nhiều năm qua. Gần đây hãng này lại tung ra một dòng Volocopter chạy bằng điện thứ hai có thể được chứng nhận cất cánh vào đầu năm tới.

Không cần biết nhà sản xuất nào sẽ đưa mô hình vào sản xuất đầu tiên, Uber vẫn sẽ là trung tâm của xu hướng mới này. Tại một sự kiện hôm 25/4 được tổ chức ở Dallas, Uber đã tuyên bố kế hoạch cung cấp dịch vụ thuê trực thăng điện cho tất cả mọi người. Uber không muốn tự mua những chiếc xe này, giống như việc nó không sở hữu một dàn xe ô tô của chính hãng. Nhiều khả năng, Uber sẽ kết hợp với các công ty khác. Tuy nhiên, Jeff Holden - giám đốc sản phẩm của Uber cho biết không loại trừ khả năng Uber có thể sẽ sở hữu một số chiếc máy bay mà ông ước tính sẽ có giá khoảng 1 triệu USD/chiếc.

Uber dự kiến sẽ chạy thử dịch vụ thuê trực thăng ở Dubai và Dallas vào năm 2020. Đây là hai thành phố mà người dân sinh sống thường phải đi làm xa và giới chức có chuyên môn sâu về hàng không. Phía này cũng khá lạc quan khi hứa hẹn chi phí cho mỗi dặm bay sẽ chỉ bằng dịch vụ UberX.

Tuy nhiên, để đi đến thực tế tận tay người sử dụng, những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ như Uber vẫn còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Đối với mô hình chạy bằng pin, quãng đường chạy đối với mỗi lần chạy còn hạn chế và tốc độ sạc pin còn chậm. Các nhà sản xuất sẽ cần đảm bảo phương tiện của họ phải cất cánh được trong thành phố mà không gây ồn ào. Làm thế nào để giám sát và cấp phép cho các phương tiện bay mới. Đó sẽ là một chủ đề tranh luận gay gắt giữa những nhà hoạch định chính sách và những người có khuynh hướng di chuyển chậm và chỉ bắt tay với máy bay không người lái. Những chiếc ô tô bay vẫn sẽ còn một hành trình dài đang đợi ở phía trước.

Anh Sa

The Economist

Trở lên trên