Kiểm điểm chủ tịch phường vi phạm nồng độ cồn, "giấu" nơi công tác
Biên bản vi phạm hành chính khi kiểm tra nồng độ cồn ghi Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai "nghề nghiệp tự do"
- 18-09-2024Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn
- 21-08-2024Thủ tướng Chính phủ: Xử lý vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ
- 11-08-2024Bộ Công an lý giải đề xuất giảm mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn
Ngày 18-9, ông Lê Thanh Tâm - Bí thư Đảng ủy phường Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai - cho biết cơ quan này đã xử lý vi phạm về mặt Đảng đối với ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường - do vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Trước đó, lực lượng CSGT Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn đối với ông Nguyễn Văn Tùng - trú tại phường Đống Đa, TP Pleiku, "nghề nghiệp tự do".
Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Công an phường Đống Đa để xác minh thông tin người vi phạm. Kết quả xác định ông Nguyễn Văn Tùng không phải làm nghề tự do mà là Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết hôm xảy ra vụ việc, ông có uống vài lon bia, đang trên đường đi xe máy về nhà. Sau đó, ông dừng xe bên đường nghe điện thoại, cách chốt kiểm tra nồng độ cồn một đoạn. Lúc này, 2 chiến sĩ công an tới yêu cầu đo nồng độ cồn và ông chấp hành.
Về việc có giấu nghề nghiệp, cơ quan công tác hay không khi trong biên bản vi phạm hành chính ghi nghề nghiệp là "tự do", ông Tùng nói không giấu. "Tôi không có khai. Lúc ghi biên bản tôi đang đứng ở phía trên. Lúc đưa biên bản thì tôi ký. Sau đó, tôi mở cốp xe lấy hồ sơ, giấy tờ công việc cơ quan. Khi Grab đến đón thì tôi lên xe đi luôn" - ông Tùng giải thích.
Trong khi đó, một cán bộ CSGT Công an tỉnh Gia Lai cho biết khi lập biên bản thì CSGT đã hỏi đầy đủ thông tin, cơ quan công tác của người vi phạm.
Nếu người vi phạm nói rõ chức vụ, đơn vị công tác thì CSGT sẽ gửi thông báo về cơ quan công tác. Nếu người vi phạm khai là lao động tự do thì CSGT sẽ có văn bản đề nghị công an địa phương xác minh thông tin về nghề nghiệp, đơn vị công tác, có phải là cán bộ, đảng viên hay không.
Theo quy định, cán bộ, đảng viên vi phạm thì CSGT sẽ gửi thông báo về cơ quan, đơn vị nơi họ công tác để có hình thức xử lý.
Theo ông Lê Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Thắng Lợi, qua xem xét tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan này đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Tùng "kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
Xử ký nghiêm cán bộ vi phạm nồng độ cồn
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 35/CT-TTg, trong đó yêu cầu nếu cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm thì phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Hiện nay, cán bộ, công chức và viên chức nếu vi phạm các quy định về pháp luật nói chung, vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói riêng sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo Nghị định 112/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2023).
Theo đó, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Còn người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xem xét các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.
Người lao động