Kiểm soát cách nào để quyền lực không bị tha hóa?
Như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh phải "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế". Nhưng có cơ chế rồi, người vận hành cơ chế đó còn quan trọng hơn nữa.
Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Vì thế một trong những giải pháp được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đưa ra để ngăn chặn tham nhũng là tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực. Vậy làm sao để quyền lực được kiểm soát một cách chặt chẽ, để quyền lực không bị tha hóa?
Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực" (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ, một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, đó là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”.
Thực tế cho thấy câu chuyện lạm dụng chức vụ quyền hạn là có thật và không ít. Gần đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi Thông báo kỳ họp thứ 28, kết luận những vi phạm, khuyết điểm của một số cá nhân, trong đó có Trung tướng Bùi Văn Thành, Thượng tướng Trần Việt Tân vì vi phạm bảo vệ bí mật nhà nước.
Dư luận rất đồng tình với việc thi hành kỷ luật những đảng viên sai phạm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tham nhũng tiêu cực. Điều đó càng khẳng định “Không có vùng cấm”. Bất kể ai có sai phạm, kể cả lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh trong ngành công an, quân đội đều bị xử lý kỷ luật.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Nếu không tạo dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực thì suy thoái đạo đức trong Đảng của cán bộ, đảng viên, thân hữu hay “khuyết tật” trong Đảng sẽ không thể loại trừ.
“Phải kiểm soát quyền lực như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6. Kiểm soát bằng cách nào? Theo điều 4 Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng là quyền lực cao nhất, thì kiểm soát quyền lực của Đảng cũng phải đặt ra. Tôi đề nghị phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung điều lệ Đảng để kiểm soát quyền lực. Thứ hai, kiểm soát quyền lực thì quyền hạn và nhiệm vụ trách nhiệm phải rõ ràng. Phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, điều đó phải thể hiện trong pháp luật pháp chế”, ông Vũ Mão nêu quan điểm.
Tổng kết quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII cho đến nay chỉ rõ: một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa phát huy hiệu quả, đó là cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế. Việc thực thi pháp luật nói chung và thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng nói riêng chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi còn bị buông lỏng.
Vậy cơ chế nào để kiểm soát quyền lực được thực chất nhất? Từ thực tế tại địa phương, ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính tỉnh Đồng Nai cho rằng cần phát huy vai trò của người dân và báo chí trong giám sát quyền lực, bởi nếu chỉ tăng cường giám sát của Hội đồng Nhân dân, của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc thì chưa đủ.
"Cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay được quy định rất rõ nhưng thực hiện có nhiều khó khăn. Phải có cơ quan chuyên trách. Các nước tư bản có tam quyền phân lập nhưng đặc thù nước ta quyền lực là thống nhất. Chỉ tăng cường giám sát của Hội đồng Nhân dân, của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả", ông Hồ Văn Năm nêu thực tế.
Quyền lực nếu được sử dụng đúng sẽ có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền. Vấn đề tha hóa quyền lực và mô hình thiết chế phòng chống tham nhũng vừa qua chưa đủ độ tương xứng với tình hình hiện nay. “Gốc gác” để nảy sinh ra tham nhũng là cơ chế xin - cho, hay sự can thiệp của Nhà nước quá sâu vào kinh tế thị trường, đẩy quá cao vai trò của tập đoàn, tổng công ty, từ đó, góp phần nảy sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Khi xử lý được nền tảng “gốc gác” căn nguyên làm nảy sinh tham nhũng thì sẽ giải quyết được tham nhũng. Trong đó, cần phải chú ý đến giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng, muốn giám sát quyền lực thì phải bằng thể chế, hay nói cách khác thể chế đó phải được cụ thể hóa bằng pháp luật.
“Thứ nhất phải có thể chế, phải xây dựng thể chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần, "phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", là hoàn toàn đúng. Nhưng theo tôi có thể chế rồi thì người vận hành thể chế đó còn quan trọng hơn nữa. Bởi hư là do từ người vận hành mà ra. Điều này thực tiễn đã rõ. Thứ hai, quy trình cán bộ cần phải dân chủ, công khai, đặc biệt phải minh bạch. Thứ ba, phải đánh giá cán bộ đúng, đánh giá thực chất. Thứ tư, phải kiểm tra việc thực hiện và kiểm tra ngay từng khâu khi thực hiện và nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Chúng ta phải thực hiện nghiêm "không thể" và "không dám". Đây là biện pháp rất quan trọng, không để mỗi cán bộ lợi dụng, đồng thời “không dám” vì vượt kỷ cương kỷ luật phải thực hiện nghiêm”, ông Lê Đình Sơn nêu quan điểm.
Thường khi đã được giao quyền rất có thể dẫn đến lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền. Cho nên cần có cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền lực. Cơ chế kiểm soát đó chính là do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhân dân mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Mặt khác, tổ chức đảng các cấp cũng cần chú trọng việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thường xuyên giám sát để “trị bệnh lạm dụng quyền lực”, bảo đảm cho quyền lực luôn được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền./.
VOV