MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát điều kiện kinh doanh là vấn đề quan trọng

Ông Phan Đức Hiếu (ảnh), Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trả lời phỏng vấn về Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Một trong những văn bản đầu tiên Thủ tướng ký ban hành trong năm nay chính là Nghị định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Bộ Công Thương. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Chính phủ?

Tôi cho rằng đây một động thái rất quyết liệt của cả Thủ tướng và Bộ Công Thương, là một kết quả tích cực thể hiện hành động thực sự giống như thông điệp đầu năm của Chính phủ. Việc ban hành Nghị định số 08 là một hành động thực tế, và chỉ khi xã hội nhìn thấy được Nghị định 08 thì tất cả những cam kết tuyên bố trước đây mới thành hiện thực. Đây là hành động thiết thực nhất đầu tiên của các bộ, ngành trong việc thực thi Nghị quyết Chính phủ số 01, Nghị quyết 98 về cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Theo ông, Nghị định 08 sẽ tác động lan tỏa đến cộng đồng DN, xã hội như thế nào?

Nghị định 08 được ban hành có tác động trực tiếp tới cộng đồng DN ở chỗ DN sẽ giảm ngay chi phí và thời gian trong làm thủ tục theo quy định trước đây. Theo tôi, nếu như từ trước đến nay cộng đồng DN có thể nghi ngại cho rằng Chính phủ chỉ mới dừng lại ở cam kết, tuyên ngôn, tuyên bố thì nay việc ban hành Nghị định 08 cho thấy Chính phủ nói và làm song song với nhau và các bộ cũng tương tự như vậy. Việc Chính phủ hành động một cách nhanh chóng và kịp thời như vậy sẽ làm tăng niềm tin của cộng đồng DN. Cùng với niềm tin ấy là sự tác động trực tiếp đến việc tạo ra một lượng DN mới gia nhập thị trường hoặc DN cũ đang hoạt động mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác.

Công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn đang diễn ra, nhưng cộng đồng DN vẫn lo ngại tình trạng mọc thêm các giấy phép con. Theo ông, cần làm gì để kiểm soát vấn đề này?

Theo tôi, các bộ không nên dành thời gian tranh cãi về điều kiện kinh doanh mà phải có nghĩa vụ, trách nhiệm rà soát ở phạm vi rộng hơn. Các quy định nào đó bất hợp lý, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh, gia tăng chi phí và thời gian cho DN, thì cái đó phải được bãi bỏ chứ không chỉ khu trú ở các điều kiện kinh doanh.

Kiểm soát điều kiện kinh doanh là một vấn đề quan trọng. Sau khi cắt điều kiện kinh doanh này đi thì cũng không loại trừ hiện tượng sẽ bị mọc lại, hoặc là không mọc bằng cách này thì mọc bằng cách khác và vẫn tiếp tục xuất hiện thêm điều kiện kinh doanh mới. Đây là một bài toán rất khó. Theo tôi, để có giải pháp kiểm soát, trước mắt hàng năm cần công bố báo cáo, thống kê về sự xuất hiện mới, tổng kết đánh giá quy định về thực hiện điều kiện kinh doanh, từ đó cho thấy bức tranh tổng thể nó mọc ra hay mất đi.

Về phía Chính phủ, hiện nay kiểm soát về điều kiện kinh doanh vẫn được áp dụng chung một quy trình thủ tục, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, không có riêng cho điều kiện kinh doanh, với khung chung áp bộ tiêu chí cho mọi loại văn bản, quy định mọi nội dung. Theo tôi, trong trường hợp này chưa đủ về công cụ, về điều kiện kinh doanh cần những bộ tiêu chí rõ ràng hơn, cụ thể hơn, và khác về những tiêu chí cần thiết hợp lý như ta tạm gọi là chung chung.

Hiện nay, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một Nghị định về điều kiện kinh doanh, nghị định này là cần thiết và nên sớm ban hành trong đầu năm 2018 và nên nhìn nhận Nghị định về điều kiện kinh doanh như là một công cụ bổ sung các công cụ cho Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để kiểm soát chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả hơn đối với riêng các quy định về điều kiện kinh doanh. Do vậy, cần sớm ban hành và cần quy định các công cụ, các bộ tiêu chí, giúp cho việc kiểm soát các quy định về điều kiện kinh doanh được tốt hơn. Các bộ, ngành cũng nên có mục tiêu trong việc kiểm soát điều kiện kinh doanh trong chính các bộ ngành. Nên tận dụng, giao thêm nhiệm vụ cho bộ phận hiện nay đang chủ trì chịu trách nhiệm rà soát điều kiện kinh doanh trong việc kiểm soát điều kiện kinh doanh khi các vụ, cục tham mưu dự thảo văn bản mới. Nên dùng chính bộ phận đang tham mưu cho mình làm người gác cổng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên