Kiểm soát xe quá tải bằng tự động phạt nguội
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), trên toàn tuyến đường bộ quốc lộ và cao tốc hiện nay của cả nước có 66 bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động được lắp đặt ghép tại các trạm thu phí, nhưng trong đó có đến 45 bộ không hoạt động, 19 bộ còn thời hạn kiểm định, 47 bộ đã hết hạn kiểm định. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện hệ thống cân tự động để xử phạt nguội vi phạm xe chở quá tải khi hệ thống đường bộ cao tốc hoàn thành.
- 16-05-2024Làm cộng tác viên online, người đàn ông bị lừa hơn 2 tỷ đồng
- 16-05-2024Hướng dẫn cách xóa nhiều video Instagram Reels cùng lúc chỉ với 2 bước
- 16-05-2024Tỷ phú là cha đẻ ngành Công nghệ thông tin Ấn Độ sắp đến Việt Nam, đối thoại với ông Trương Gia Bình
Hiệu quả của cân tự động
Theo rà soát của Cục Đường bộ Việt Nam, mặc dù thời gian qua, tác dụng của các cân kiểm tra tải trọng xe chưa được quan tâm đúng mức, nhưng việc triển khai thí điểm cân tự động đã góp phần phát huy hiệu quả giảm vi phạm xe quá tải khi cung cấp dữ liệu cho các lực lượng chuyên ngành.
Đơn cử, từ khi thí điểm cân tự động trên Quốc lộ 5 (từ tháng 6/2023), số lượt xe tải vi phạm về tải trọng đã giảm hơn 57 lần. Hệ thống cân kiểm soát tự động 24/24 giờ trên tuyến. Mỗi chiều xe chạy được lắp đặt hai bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km 78+830 (chiều Hải Phòng - Hà Nội) và Km 78+150 (chiều Hà Nội - Hải Phòng). Khi xe tải đi qua cân tự động sẽ được camera chụp lại biển số xe, các dữ liệu sẽ được truyền về đơn vị quản lý qua phần mềm, xác định được xe có quá tải không để xử phạt vi phạm hành chính.
Kết quả thí điểm cũng cho thấy, các bộ cân này đã kiểm soát tự động 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết; giám sát 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân, bảo đảm khách quan, không cần lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường; đồng thời, hạn chế tình trạng chây ỳ, khóa cửa xe bỏ đi của lái xe vi phạm, ngăn ngừa hành vi tiêu cực.
Từ kết quả này, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT cho phép sửa đổi, bổ sung để đưa các quy định vào quy chuẩn kỹ thuật đối với trạm cân tự động tương tự như các trạm cân tự động đang lắp đặt tại Việt Nam và tham mưu Bộ GTVT đầu tư xây dựng, lắp đặt, đưa vào sử dụng các hệ thống cân tự động trên các tuyến quốc lộ, đường bộ cao tốc tại Việt Nam.
Theo ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam), nhiều tuyến cao tốc đã lắp đặt hệ thống cân tại trạm thu phí đầu vào để ngăn xe quá tải. Tuy nhiên, ngoài cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đa số cân trên các tuyến đã không hoạt động, không kiểm soát được xe quá tải. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động là mô hình mới được bổ sung trên cơ sở tham khảo kết quả đã thí điểm ở Quốc lộ 5 và cần sớm được nhân rộng.
Thực tế, mô hình cân hiện nay chỉ được lắp ở 1 làn thu phí, số làn còn lại không kiểm soát được xe quá tải. Vì thế, mô hình cân tự động lắp đặt trên làn đường trước trạm thu phí sẽ mang lại hiệu quả, giảm được số bộ cân trên mỗi làn, kiểm soát được 100% xe quá tải.
Dự kiến lắp 3 cân tự động trên mỗi tuyến đường
Theo ông Trần Đức Trung (Phòng Pháp chế Thanh tra - Cục Đường bộ Việt Nam), cao tốc Bắc Nam phía Đông có 38 tuyến, đoạn tuyến, với chiều dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác gần 1.060 km, nhưng phần lớn các tuyến chưa được đầu tư hệ thống cân, dẫn tới xe quá tải lưu thông vào, có thể gây hư hỏng mặt đường, mất an toàn giao thông. Do đó, việc lắp đặt hệ thống trạm cân tự động hiện nay là vấn đề cấp thiết.
Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT thực hiện việc lắp đặt các cận tự động trên quốc lộ, cao tốc theo hướng mỗi tuyến đường sẽ lắp đặt 3 trạm cân ở đầu vào. Sơ bộ kinh phí đầu tư xây dựng 1 bộ cân cố định tự động trên 1 làn thu phí khoảng 7 tỷ đồng, riêng mức đầu tư hệ thống trạm cân trên cao tốc Bắc Nam gần 700 tỷ đồng.
Các dự án BOT do nhà đầu tư thực hiện và chi phí đầu tư xây dựng trạm cân được tính vào phương án tài chính của dự án. Với đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước đang triển khai và triển khai sau này sẽ được rà soát bổ sung hạng mục trạm cân. Chi phí đầu tư trạm cân lấy từ nguồn vốn bảo trì đường cao tốc.
Về sử dụng dữ liệu, các trạm cân hoạt động theo nguyên tắc tự động nhận diện biển số và thực hiện các thao tác cân. Khi xe chạy qua trạm sẽ được thông báo hiển thị tự động trên màn hình điện tử (có vi phạm quá tải hay không). Nếu có, xe được yêu cầu ra khỏi đường cao tốc, dữ liệu sẽ được chuyển cho lực lượng chức năng để xử phạt.
Đây là công nghệ cân hiện đại, có khả năng cân ở tốc độ từ 0 - 80 km/giờ, độ chính xác cao, dữ liệu sẽ được truyền về cơ quan quản lý, khai thác để trích xuất, xử lý vi phạm. Trạm cân lắp đặt trên các làn đường, tự động cân kiểm soát 100% xe qua trạm. Mô hình này không có người vận hành cân, không có điểm quay đầu xe, vị trí hạ tải.
Theo Nghị định 25/2023 về quản lý đường cao tốc, dữ liệu từ hệ thống trạm cân tự động sẽ được truyền về trung tâm kiểm soát giao thông tuyến của lực lượng CSGT để phạt nguội hoặc phạt trực tiếp ngay trên tuyến nếu có vi phạm.
Báo Tin Tức