MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán chỉ ra nhiều sai sót tại Agribank

21-07-2017 - 17:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Hầu hết các chi nhánh Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ. Agribank cũng trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.848 tỷ đồng…

Tỷ lệ nợ xấu đã giảm nhưng còn cao

Chiều 21/7, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo Công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015.

Theo đó, báo cáo kết quả kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng, cụ thể Ngân hàng nhà nước, 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống công nghệ thông tin cho thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán cũng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh có lãi (Tổng lợi nhuận trước thuế của SCIC 8.669,23 tỷ đồng, Agribank 3.133,01 tỷ đồng, Bảo Minh 149,07 tỷ đồng, PJICO 119,81 tỷ đồng), đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động.

Cũng theo báo cáo, một số hạn chế vẫn tồn tại như lãi suất cho vay trung và dài hạn năm 2015 đã giảm 0,2%-0,5%/năm nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra (1%-1,5%), tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn cao.

Cụ thể, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2015 tính đầy đủ cả nợ tồn đọng của VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng nhà nước là 476,86 nghìn tỷ đồng chiếm 8,85% tổng dư nợ; nợ xấu của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ.

Báo cáo cũng cho biết, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp. Tổng thu hồi nợ từ năm 2013 đến 2015 là 22.902 tỷ đồng, chiếm 10,4% dư nợ đã mua. Việc cân đối vốn của Ngân hàng chính sách xã hội rất khó khăn, trong đó nhiều khoản vay từ Kho bạc nhà nước, Ngân hàng nhà nước phải gia hạn hoặc khoanh nợ.

Hầu hết các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn (Agribank) được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Công tác hạch toán kế toán của 1 số đơn vị còn sai sót như Agribank trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.848 tỷ đồng; Vietcombank chưa hạch toán theo phương pháp dồn tích đối với các khoản lãi và phí phải thu thẻ tín dụng; từ năm 2001 đến nay, chưa tính và hạch toán đầy đủ trên hệ thống phần mềm tiền lãi của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 VND hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ.

Họp báo Kiểm toán nhà nước diễn ra chiều 21/7. Ảnh: N.Thảo

Một số đơn vị còn tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu tồn đọng từ nhiều năm, chưa được thu hồi và xử lý dứt điểm. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được 769,30 tỷ đồng nợ gốc, 735,56 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính II và 26,26 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính I; Agribank để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng; SCIC 15,6 tỷ đồng của 57 doanh nghiệp SCIC đã bán hết vốn (nhiều khoản phát sinh từ năm 2007, 2008); PJICO để cán bộ chiếm dụng 0,81 tỷ đồng.

Nhiều khoản đầu tư nghìn tỷ khó thu hồi vốn

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số khoản đầu tư tài chính hiệu quả thấp như SCIC đầu tư vào 14 doanh nghiệp 6.705 tỷ đồng, lợi nhuận được chia năm 2015 là 211 tỷ đồng tương ứng với tỷ suất sinh lời bình quân/vốn đầu tư là 3%. PTI: Đầu tư vào 3 công ty liên kết 122,64 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34%; đầu tư dài hạn khác vào 07 doanh nghiệp 57,09 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 0,48%.

Hoặc không hiệu quả, khó thu hồi vốn như Agribank đến 31/12/2015, có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).

Tại SCIC, các khoản đầu tư vào CTCP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, CTCP Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh không hiệu quả, 102/198 doanh nghiệp được tiếp nhận với số vốn đầu tư 1.620 tỷ đồng không có lợi nhuận được chia trong năm 2015.

Tại Bảo Minh, đầu tư vào Công ty tài chính Cổ phần Sông Đà 80 tỷ đồng, sau khi sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Quân đội, lỗ 26,18 tỷ đồng.

Tại Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí PVI, đầu tư vào CTCP TD 262,26 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 66,78 tỷ đồng; PJICO: Một số khoản đầu tư chứng khoán (cổ phiếu SDF, REE, FOODINCO, DPM) 30,65 tỷ đồng phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tương đương 43,5% giá mua; đầu tư vào Công ty Liên doanh TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong 33,05 tỷ đồng, đến 31/12/2015 phải trích lập dự phòng 17,43 tỷ đồng.

Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện PTI, đầu tư vào CTCP Xăng dầu Việt Nam 11,7 tỷ đồng, năm 2015 công ty lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu thực có thấp hơn vốn thực góp 3,23 tỷ đồng, phải trích dự phòng 2,96 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán cũng cho biết SCIC không xác định được danh sách cụ thể các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa thuộc diện phải bàn giao về SCIC, chưa xác định đầy đủ số tiền các đơn vị liên quan phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại SCIC theo quy định.

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên