Kiểm tra chợ đầu mối Thủ Đức lúc nửa đêm, đoàn giám sát bất ngờ với câu trả lời của tiểu thương
Nhiều tiểu thương khá bất ngờ khi có đoàn đến kiểm tra và yêu cầu xuất trình chứng từ hàng hóa.
Đêm 14 rạng sáng 15-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM phối hợp cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản TP Thủ Đức (TP HCM).
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, đã dẫn đoàn đến các ô vựa kiểm tra các loại giấy tờ như nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch thực vật, nhãn phụ trên thùng/bao bì... Tuy nhiên, hầu như các ô vựa bị kiểm tra đều chưa đáp ứng được các giấy tờ theo yêu cầu và viện đủ lý do để né tránh nhằm không cung cấp.
Chẳng hạn, quản lý của vựa Thảo Lợi - chuyên bán trái cây hàng nhập khẩu như nho, táo, lê - cho biết chủ hàng không có ở sạp do thư ký nắm giữ sổ sách, giấy tờ nhập khẩu hàng hóa. Vì hết giờ hành chánh nên thư ký không có mặt , hẹn hôm sau sẽ xuất trình đủ.
"Hàng của vựa chủ yếu là hàng ký gửi và tôi cũng chỉ là nhân viên quản lý buôn bán tại đây nên không nắm những chứng từ đó. Chủ vựa hoặc thư ký mới là người giữ bộ giấy tờ nhập khẩu"- quản lý này nói.
Kế bên, nhân viên của vựa Phượng Hùng cũng cho biết chủ hàng không có ở sạp. Người này thừa nhận hàng không có nhãn phụ, không nắm giấy tờ nhập khẩu do mua lại từ một đơn vị trong nước là công ty có tên An Minh.
Người này bốc máy liên hệ công ty trên nhưng mất khoảng hơn 10 phút vẫn chưa thể cung cấp giấy tờ như kiểm dịch thực vật, hóa đơn...
Tương tự, đi đến khu bán trái cây trong nước như quýt, thanh long, sầu riêng, xoài hoặc rau củ quả... nhiều tiểu thương không xuất trình được giấy kiểm dịch thực vật và hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ mà chỉ cung cấp tin nhắn trao đổi qua điện thoại hoặc sổ sách do người bán viết tay.
Nguyên nhân đưa ra là do nhập từ mối lái hoặc trực tiếp nhà vườn.
Kết thúc buổi khảo sát, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhận xét trong quá trình khảo sát phát sinh rất nhiều vấn đề, đơn cử như quản lý an toàn thực phẩm tại chợ chưa thực sự hiệu quả do còn làm bằng thủ công.
Bên cạnh đó, tiểu thương còn né tránh, chưa hợp tác. Do đó, ông yêu cầu ban quản lý chợ cần phải tái cấu trúc bộ máy, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu.
"Chúng tôi gần như không kiểm tra được gì. Ban quản lý chợ cần phải mạnh mẽ, quyết tâm và phối hợp với cơ quan chức năng giúp các tiểu thương nhận thức được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm để từ đó họ chủ động hơn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của chợ còn chưa đảm bảo, điều này cùng làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm"- ông Nhựt nói.
Người lao động