Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào 7 dự án BĐS nghỉ dưỡng
UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Theo đó, trong vòng ba năm, tỉnh này cần gọi vốn cho 81 dự án với tổng vốn lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Theo danh mục này, có 7 dự án du lịch, 11 dự án thương mại, 6 dự án về môi trường, 13 dự án nuôi trồng và chế biến nông sản, thủy sản công nghệ cao, 6 dự án lĩnh vực nước đô thị và nông thôn, 15 dự án về sản xuất công nghiệp, 10 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; 4 dự án trong lĩnh vực nhà ở và phát triển cùng 9 dự án giao thông.
Để kêu gọi nguồn vốn lớn, Kiên Giang áp dụng nhiều hình thức đầu tư cho 81 dự án này. Trong đó, nhiều nhất là kêu gọi đầu tư trực tiếp. Với một số dự án cần nguồn vốn lớn hoặc dự án thuộc lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải... tỉnh đề nghị nhiều hình thức đầu tư như trực tiếp, đối tác công tư, ODA.
Trừ một số dự án chưa quy định vốn đầu tư, chờ đề xuất của doanh nghiệp, đa số những dự án cần nguồn vốn của Kiên Giang là dự án về du lịch, xây dựng cảng cá và xử lý nước thải.
Chẳng hạn, trong danh mục cần kêu gọi đầu tư, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là 2.919 tỉ đồng, đầu tư trung tâm nghề cá rộng 80 ha ở huyện An Biên. Mục tiêu của dự án này là xây dựng cảng cá động lực, các khu chế biến thủy hải sản, sửa chữa, sản xuất ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ cảng.
Trong 7 dự án du lịch, có hai dự án rất lớn gồm xây dựng Khu Du lịch Sinh thái U Minh Thượng rộng 200 ha với vốn đầu tư cần đến 2.600 tỉ đồng và dự án Di tích lịch sử và thắng cảnh Ba Hòn rộng 500 ha với nguồn vốn cần đến 1.500 tỉ đồng để tôn tạo di tích, đầu tư khai thác khu du lịch sinh thái, cáp treo, cảng biển hành khách.
Dự án xử lý nước thải ở Dương Đông, Phú Quốc cũng là cần vốn lớn, lên đến 2.600 tỉ đồng. Mục tiêu của tỉnh là sẽ xây dựng hệ thống thu gom và các khu, cụm xử lý nước thải với chiều dài tuyến 59.412m, công suất 20.000m3/ngày, đêm, 2.600 tỉ đồng.
Các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp cũng cần đến hơn một trăm cho đến vài ngàn tỉ đồng cho mỗi dự án. Trong đó, lớn nhất là Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Xẻo Rô ở huyện An Biên cần đến 2.230 tỉ đồng.
Riêng tại Phú Quốc, tỉnh này đang chào mời nhà đầu tư những dự án như: Khu bệnh viện kết hợp nghỉ dưỡng diện tích hơn 10 ha tại Khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ; Bệnh viện - Trung tâm điều dưỡng Bãi Trường và đất công viên cây xanh, quy mô 500 giường; Khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng hơn 42 ha tại Khu du lịch sinh thái Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, khả năng phục vụ khoảng 1.200 - 1.600 khách/ngày....
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, toàn huyện đảo Phú Quốc hiện có 278 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.676 ha, ước tổng vốn đầu tư hơn 361.000 tỷ đồng; trong đó, có 241 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 8.809 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 263.491 tỷ đồng, trong số này đã có 34 dự án đi vào hoạt động, 73 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho biết thị trường bất động sản tại tỉnh này đang phát triển mạnh ở huyện đảo Phú Quốc, do nơi đây hội đủ các yếu tố cần và đủ để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, nơi đây có điều kiện hạ tầng đã sẵn sàng: cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, tuyến cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông Bắc - Nam đảo và tuyến đường biển đã hoàn thiện...
Chính vì thế, thời gian qua các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, các tổ chức công chứng tại Phú Quốc trở nên quá tải với số lượng giao dịch về quyền sử dụng đất tăng cao trong năm 2017 và tiếp tục từ đầu năm đến nay. Người nhận chuyển nhượng phần lớn là người dân có hộ khẩu từ Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn khác. Đặc biệt, giá bất động sản quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế và giá trị thực của bất động sản.