Kiên Giang, thiệt hại kép
Lúa thất thu, tôm chết, người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng, đó là những thiệt hại mà người dân và chính quyền tỉnh Kiên Giang đang phải đối diện. Những thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn chưa dừng lại mà còn tiếp diễn rất phức tạp…
- 09-04-2016Trà Vinh: Tôm chết hàng loạt vì nắng nóng và mặn
- 22-03-2016Hàu, tôm, cá chết vì nước mặn
- 02-10-2015Tôm hùm chết hàng loạt, dân điêu đứng
Tôm chết trên diện rộng.
Hơn 5 tháng qua, ông Nguyễn Văn Ửng, ở ấp Mương Đào C, xã Vân Khánh, huyện An Minh đứng ngồi không yên khi hơn 6 công tầm lớn từ lúa đến con tôm đều thất thu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ông Ửng phân trần: Lúa chết chuyển qua cải tạo thả tôm, tôm cũng chết luôn. Mọi năm vụ tôm chính này đều thu hoạch năng xuất vào và thu được lợi nhuận từ 20- 30 triệu đồng. Nhưng năm nay do nắng quá tôm thả được 2 tháng thì bị bệnh chết hết.
Từ đầu tháng 4 đến nay, diện tích tôm nuôi vùng ở các vùng U Minh Thượng, An Minh thiệt hại ngày càng tăng. Chỉ tính riêng xã Vân Khánh, huyện An Minh có hơn 2.500 ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa đến nay đã có hơn 815 ha bị thiệt hại, trong đó thiệt hại trên 70% chiếm hơn 650 hecta.
Ông Thái Văn Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh cho biết: Thời điểm này, diện tích tôm chết trên địa bàn xã vẫn tiếp tục tăng. Trước mắt xã đã cho cán bộ kỹ thuật xuống dân, hướng dẫn cải tạo lại ao nuôi để thả nối vụ tôm. Tuy nhiên trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như này, chúng tôi đang vận động người dân tạm ngưng một thời gian ngắn để độ mặn dịu bớt, lúc đó sẽ thả tôm giống không thì thiệt hại lại càng gia tăng thêm…
Theo số liệu thiệt hại do Chi cục Thủy sản Kiên Giang thống kê đến nay, toàn tỉnh đã lên tới 9.800 ha tôm bị thiệt hại vì thời tiết nắng nóng. Lúa thiệt hại, rồi đến tôm, người dân của tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, chính quyền địa phương cần sự quan tâm và có chính sách hỗ trợ để người dân có vốn tái sản xuất.
Năm nay lịch thả nuôi tôm của Kiên Giang có sớm và kéo dài từ tháng 12-2015 đến tháng 8-2016, sau khi một số nơi tôm bị thiệt chết người dân cũng nhanh chóng cải tạo lại ao và tiếp tục thả nuôi. Đến nay, đã thả nuôi lại được hơn 6.400 ha.
Ông Nguyễn Sỹ Minh - Phó Chi cục Thuỷ sản đã khuyến cáo, người dân khi thả nuôi lại không nên nóng vội, phải xử lý thật tốt môi trường, ao lắng. Vì hiện nay độ mặn trên các kênh rất cao, từ 20 – 30 phần ngàn vì vậy nếu lấy nước trực tiếp vào ao nuôi rất dễ bị rủi ro…
Thiếu nước ngọt trầm trọng
Ghi nhận tại các xã bãi ngang ven biển thuộc huyện An Minh, nhiều tháng qua bà con ở đây mong nước ngọt còn hơn trúng mùa, ngoài không có thu nhập thêm vì thiệt hại lúa, tôm, người dân ở đây còn phải gồng gánh thêm chi phí để mua nước ngọt xài.
Bà Phan Bích Liên ngụ tại Ấp Mười Chợ A, xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: 1m3 nước mua với giá khoảng 25.000 ngàn chỉ xài vài ngày là hết, trong khi đó mấy tháng nay phải mua nước thấy tốn kém quá, người dân ở vùng này vừa phải đối mặt với thiệt hại về lúa, tôm vừa phải tốn kém vì thiếu nước ngọt….
Đặc biệt vùng ven biển huyện An Minh, An Biên và U Minh Thượng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn từ lâu nên người dân không thể khoan nước ngầm để sử dụng nên không còn cách nào khác là trang bị các lu, bồn chứa để trữ nước. Tuy nhiên nguồn nước trữ được cũng đã xài hết cách đây khoảng 1 tháng trước, người dân lo lắng khi thời tiết vẫn nắng nóng kéo dài.
Khoảng hơn 1 tuần qua, Công ty TNHH MTV cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang không có được nguồn nước ngọt thô để xử lý cung cấp cho người dân vì toàn bộ đã bị nhiễm mặn. Hiện mực nước tại các hồ chứa dự phòng cũng giảm hơn một nữa.
Công ty cấp thoát nước phải sử dụng đồng loạt nhiều biện pháp để cung cấp nước cho người dân, huy động nguồn nước từ 14 giếng khoan dự phòng vào hoạt động, đồng thời tiết giảm 25% công suất và 50% thời gian cung cấp nước theo từng khu vực trên địa bàn TP Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất.
Mặc dù mới áp dụng lịch tiết giảm 25% công suất nước nhưng ở nhiều khu vực trong thành phố vài ngày nay người dân đã không có nước sinh hoạt, phải nhờ vào nguồn nước từ các giếng khoan gia đình. Những vùng xa nhà máy nước, cuối đường ống, nước máy chảy rất yếu.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang thông tin: Hiện nay nguồn nước dự trữ chúng tôi cũng đã huy động hết các bồn chứa. Với thời tiết này may ra nguồn nước hiện có chỉ cung cấp được 20 ngày là nhiều, đến lúc đó phải dùng tới nguồn nước ngầm, vì vậy mong bà con thông cảm và chia sẻ với chúng tôi. Có thể vài ngày tới lại phải tiết giảm nước nữa mới cầm cự được...
Trước những thiệt hại nhiều mặt của nông nghiệp, thủy sản và nguồn nước ngọt khiến cho ngành chức năng của Kiên Giang phải đau đầu và huy động mọi nguồn lực để xử lý. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Những thiệt hại về thủy sản và lúa đang được chúng tôi huy động các nguồn lực để khắc phục, và động viên bà con an tâm tiếp tục sản xuất. Riêng về nước ngọt, năm 2016 này UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp kết hợp với thành phố Rạch Giá và Công ty cấp thoát nước, khoan thêm một số giếng, đến nay đã khoan được 7 trạm nước và cung cấp được 15.000 m3/ ngày để để xử lý thiếu nước cục bộ trong dân…
Đại đoàn kết