Kiến nghị hàng loạt giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA
Các chủ dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng; đồng thời, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án.
- 13-12-202078% doanh nghiệp fintech tại ASEAN muốn mở rộng hoạt động kinh doanh
- 13-12-2020Việt Nam có hơn 27.000 hộ nông dân là 'tỷ phú'
- 13-12-2020Báo Nhật chỉ ra 2 kịch bản kinh tế Việt Nam: Tăng tốc nhờ xuất khẩu hay giảm tốc do tắc nghẽn thương mại?
Ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, 11 tháng năm 2020, các bộ, ngành đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các Bộ, ngành (là 4.346 tỷ đồng).
Thách thức giải ngân vốn ODA năm 2020
Theo ông Hải, qua theo dõi, tổng hợp, vấn đề lớn nhất làm tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA , vay ưu đãi còn thấp là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân. Nguyên nhân của vấn đề này là do bởi tác động của đại dịch COVID-19 và thiên tai lũ lụt; dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh điều chỉnh dự án (như gia hạn thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian giải ngân, điều chỉnh phân bổ các hạng mục sử dụng vốn) điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân.
Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề từ phía nhà tài trợ như: thời gian cấp ý kiến không phản đối đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài; một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn là không rõ ràng.
Một số dự án vướng cơ chế nên chưa xác định được phần cấp phát/cho vay lại để giao vốn triển khai thực hiện trong năm 2020 (ví dụ các dự án của VEC vay JICA chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế chuyển từ vốn vay lại sang cấp phát). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt, nhà tài trợ phê duyệt hồ sơ rút vốn bổ sung tài khoản đặc biệt cho các khoản chi nhỏ lẻ thường kéo dài. Việc chuẩn bị hồ sơ rút vốn của các chủ dự án còn chưa kỹ như hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, kế hoạch chi tiêu chưa phù hợp…
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong qua trình thực hiện, khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA là phải áp dụng cả 2 hệ thống (nhà nước Việt Nam và nhà tài trợ) và thủ tục kéo dài nên việc triển khai đã bị tác động bởi các thủ tục này. Thậm chí, có một số quy định mới mới đưa vào có hiệu lực, nên việc áp dụng còn lúng túng.
Tuyến metro số 1 của TPHCM được xây dựng bằng vốn vay ODA của Nhật Bản
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc giải ngân chậm của các bộ, ngành cơ bản do nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là do năng lực của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn hạn chế.
Việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương cũng chậm. Tỷ lệ giải ngân chung bao gồm cả phần ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương là 39,5% dự toán được giao (trong đó, dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đã được điều chỉnh). Về giải ngân dự toán vốn đầu tư công năm 2019 kéo dài, các địa phương đã giải ngân được 76% dự toán 2019. Kết quả này đã tăng hơn đáng kể so với 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, tốc độ giải ngân thời gian này có dấu hiệu chậm lại do một số dự án không còn nhiều khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán, các tỉnh miền Trung phải tập trung ứng phó với tình hình thiên tai.
Đánh giá về vấn đề này, ông Trương Hùng Long- Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Nỗ lực đó giúp giải ngân có tiến triển tích cực, đặc biệt sau tháng 10 tốc độ giải ngân đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, đến nay tốc độ giải ngân vốn vay ODA vẫn chậm so với kế hoạch.
Xử lý dứt điểm các vướng mắc
Để thúc đẩy kết quả giải ngân, Bộ Tài chính kiến nghị, các Bộ, ngành chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Các Bộ ngành có trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Các nhà tài trợ rà soát, giảm các thủ tục phê duyệt không cần thiết, đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến không phản đối. Đối với các dự án đang trong giai đoạn thuê tuyển tư vấn để lập tổng mức đầu tư,... cần có các giải pháp giám sát chất lượng, tiến độ của tư vấn, tránh để các vướng mắc, chậm trễ kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án…
Đối với các đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ ngành xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào, đồng thời trong thời gian tới cần làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư xác định số vốn đã được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020 và số vốn đã giải ngân thực tế, nếu thiếu vốn và còn được tiếp tục giải ngân trong các năm sau phải đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư 2021.
Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh thời hạn giải ngân, phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký, và các điều chỉnh khác của hiệp định vay (nếu phát sinh) theo quy định, tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công…
Đối với các địa phương, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị tập trung giải quyết các công việc như: UBND các tỉnh chỉ đạo các Chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi Kho bạc Nhà nước xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. Sau khi rút vốn, hồ sơ ghi thu ghi chi phải gửi Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước hoàn thành việc hạch toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/01/2021.
Đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân, đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn.
Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để hoàn tất thủ tục giải ngân ngay sau khi có kết quả kiểm đếm. Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước, các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến "không phản đối" ở các giai đoạn triển khai dự án, đặc biệt đối với khối lượng công việc hoàn thành cần được chấp thuận của nhà tài trợ để giải ngân.
Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm Nghị định sau khi được sửa đổi sẽ quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại.
Diền đàn doanh nghiệp