MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị không thu thuế TNCN khoản tiền DN hỗ trợ người lao động

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị không thu thuế thu nhập cá nhân 10% với khoản tiền doanh nghiệp (DN) hỗ trợ người lao động.

Trước những khó khăn của đoàn viên, người lao động, bên cạnh các đề nghị xem xét nới lỏng các quy định tại Nghị quyết 42 và Nghị quyết 15 của Chính phủ để người lao động và doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Kiến nghị không thu thuế TNCN khoản tiền DN hỗ trợ người lao động - Ảnh 1.
Kiến nghị không thu thuế TNCN khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian tới, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lớn, đông công nhân lao động trong cả nước có khả năng bị mất, sụt giảm đơn hàng dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cho người lao động nghỉ việc. Dự báo số lao động bị mất việc làm, ngừng việc tập thể sẽ gia tăng và tình hình quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp nhất là vào dịp cuối năm 2020.

Trước những khó khăn của đoàn viên, người lao động, tại Hội nghị Ban chấp hành vừa diễn ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm cả người lao động phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các doanh nghiệp mà đến cả các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác và không gắn điều kiện của người lao động với điều kiện của doanh nghiệp để người lao động được hỗ trợ khó khăn kịp thời.

Đề nghị xem xét sửa đổi Quyết định 15 mở rộng đối tượng hưởng, điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ và kéo dài thêm thời gian (đến hết tháng 12/2020) bị mất việc, tạm hoãn Hợp đồng lao động, nghỉ luân phiên và nghỉ việc không hưởng lương để người lao động thực sự khó khăn có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Tổng Liên đoàn cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cập, vừa qua, Công ty Pouchen ở Thành phố Hồ Chí Minh cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc và có trường hợp khoản hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động lên tới cả trăm triệu đồng. Theo quy định, sẽ phải nộp thuế 10%. Tuy nhiên, thực tế việc thu thuế trong trường hợp này chưa hợp lý.

"Theo quy định của pháp luật về thuế thì phải đóng thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay người lao động rất khó khăn và doanh nghiệp cũng rất nỗ lực để hỗ trợ cho người lao động vượt quá khó khăn này. Việc đóng thuế về mặt luật pháp là đúng nhưng về thực tế chúng tôi thấy không hợp lý. Tổ chức công đoàn cũng kiến nghị những trường hợp này phải xem xét để không thu thuế của người lao động, góp phần cho người lao động vượt qua khó khăn, để pháp luật vừa là đúng, phải có tính nhân văn, tính phù hợp với thực tiễn"- ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị miễn giảm học phí cho con công nhân lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ việc không hưởng lương đề giảm bớt khó khăn và để con em công nhân lao động được đến trường. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như người lao động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giáo dục… Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, đầu cơ tích trữ hàng hóa thiết yếu./.

Theo Phương Thoa

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên