Kiến nghị làm rõ trách nhiệm sự cố y khoa làm 8 người chết ở Hòa Bình
Các gia đình nạn nhân vụ sự cố y khoa ở Hòa Bình khiến 8 người chết gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Y tế đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể.
- 09-08-2017Cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình sau vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong
- 20-07-2017Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình tiết lộ lý do từ chức
- 05-06-2017Mắc sai phạm khi mua máy chạy thận, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình trần tình
- 02-06-2017"Đường đi" của 8 máy chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình
Kiến nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức
Ngày 27/11, 8 gia đình nạn nhân trong vụ chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình gửi đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Y tế cùng cơ quan chức năng.
Các gia đình đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017 khiến 8 người tử vong, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có thực hiện đúng quy trình chạy thận nhân tạo do Bộ Y tế ban hành không? Hay do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm không giám sát chặt chẽ trong quá trình bảo trì hệ thống lọc nước RO của bệnh viện.
Một bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – Giám đốc Bệnh viện -người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật trong công tác quản lý điều hành, người trực tiếp ký hợp đồng với Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn và Công ty Xử lý nước Châm Anh. Hai công ty trên không có chức năng nhiệm vụ trong ngành y tế, và để xảy ra việc đưa một số loại hóa cấm sử dụng trong ngành y tế vào hệ thống lọc nước RO dẫn đến sự cố trên.
Kiến nghị của các gia đình cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm đối với hai công ty trên và các tổ chức cá nhân có liên quan.
Bên thiện chí, bên không?
Bà Nguyễn Thị Thu – mẹ của một nữ nạn nhân trong thảm họa y khoa ở Hòa Bình cho biết, sự cố y khoa là việc quá đau lòng, các gia đình không muốn truy cứu thêm để tránh mệt mỏi. “Người già đã đành, trẻ con khổ lắm. Cháu tôi mới học lớp 9, mất mẹ sau sự cố y khoa, hôm ngày hiến chương các nhà giáo cháu nhớ mẹ, buồn nằm ở nhà suốt”.
Theo ông Phạm Ngọc Thạo – đại diện cho các gia đình nạn nhân, ngày 21/9/2017, gia đình các nạn nhân và bệnh viện cùng các cơ quan chức năng có cuộc gặp và bệnh viện đưa ra mức bồi thường thấp nhất 136 triệu đồng và cao nhất 242 triệu đồng.
Các gia đình cũng đồng ý cho xong vì sự việc quá đau lòng. Họ muốn vụ việc khép lại để tĩnh tâm nuôi con, cháu, nhưng phía bệnh viện lại đòi hóa đơn đỏ.
Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, nơi xảy ra vụ chạy thận khiến 8 người chết.
Bà Thu cho hay: “Việc ma chay có phải ngày nào cũng diễn ra đâu mà dịch vụ tang lễ có hóa đơn đỏ để cấp cho chúng tôi”.
Ngày 30/10/2017, Giám đốc mới của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình mời các gia đình lên gặp mặt lần thứ 3. Giám đốc mới khẳng định việc lấy hóa đơn đỏ là không thể, nếu cứ đòi hóa đơn thì không bao giờ đi đến kết thúc sự việc nên đề nghị các gia đình hợp tác để có tiếng nói chung.
Sự cố y khoa tiếp tục nhùng nhằng khi ngày 8/11/2017, giám đốc mới của Bệnh viện cho biết là Sở Tài Chính và Sở Y tế Hòa Bình thông báo là không thể quyết toán được, nên phải chờ phán quyết của tòa án.
Khi người nhà các nạn nhân tìm đến các cơ quan trên thì được trả lời chưa nhận được báo cáo của bệnh viện, tiền đền bù của bệnh viện không phải là ngân sách nên Sở không quản lý.
Trong đơn kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Y tế, các gia đình nạn nhân cũng muốn làm rõ trả lời báo chí của Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế là các gia đình nạn nhân không chấp nhận mức bồi thường do bệnh viện đưa ra mà yêu cầu mỗi gia đình phải được bồi thường 250 triệu đồng.
Các gia đình nạn nhân cũng mong muốn làm rõ sự thật, xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm để sự việc sớm khép lại nhằm ổn định tinh thần, ổn định cuộc sống.
Luật sư Hoàng Trung - người hỗ trợ pháp lý cho gia đình các nạn nhân cho biết, theo Điều 76 của Luật khám chữa bệnh trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân là nghĩa vụ của bệnh viện.
Theo Luật sư, theo quy định đối với những trường hợp "tai biến" trong y khoa đều được bồi thường bảo hiểm, nhưng bệnh viện đã không thực hiện mua bảo hiểm đối với những trường hợp 8 nạn nhân chạy thận tử vong.
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong, 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị và hiện sức khỏe đã hồi phục. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị cách chức từ ngày 9/8. Một số người liên quan đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình áp dụng các biện pháp tố tụng sau khi khởi tố vụ án.
VOV