Kiến nghị ngân hàng kiểm soát lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%/năm
Lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư trong khi chính sách hỗ trợ lãi vay 2% chưa hiệu quả.
- 03-03-2023Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm
- 03-03-2023Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu, thực hiện giảm mặt bằng lãi suất
- 03-03-2023Ngân hàng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Theo kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) vừa thực hiện và công bố, trong tổng số hơn 100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, khảo sát cho có tới 83% đang gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao, thủ tục vay vốn phức tạp, bên cạnh các nguyên nhân khác như thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…
Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỉ giá USD/VNĐ đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp tới việc nhập khẩu nguyên liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến giảm sức ép lợi nhuận đầu năm nay.
Doanh nghiệp phản ánh lãi suất ngân hàng vẫn rất cao
"Do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành lượng thực thực phẩm cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường" – báo cáo của HUBA nêu rõ.
Do do, các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng có biện pháp giảm lãi suất và cần khống chế trần lãi suất để kiểm soát lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%/năm.
Về các chính sách hỗ trợ như gói lãi suất 2% được các doanh nghiệp nhận định ít khả thi, khó thực hiện vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra. Do đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, quan tâm cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết để được áp dụng gói này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại như bình thường và nếu doanh nghiệp thuộc 11 nhóm ngành theo quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Với tổng quy mô cả gói là 40.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2022-2023, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã giải ngân khoảng 15.000 tỉ đồng.
"Tốc độ giải ngân gói này đã và đang tăng trưởng, tuy nhiên đánh giá chung vẫn chậm, chủ yếu do gói này thực hiện cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách nên đòi hỏi sự công khai, minh bạch.
Có trường hợp ngân hàng mời doanh nghiệp đến làm việc để cho vay ưu đãi nhưng chính doanh nghiệp thận trọng, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thẩm định" - ông Lệnh giải thích.
Để đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết vướng mắc nào thuộc về cơ chế, chính sách thì sẽ ghi nhận và kiến nghị lên Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân những chương trình ưu đãi. Còn nếu nguyên nhân do cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, gây khó, kéo dài thời gian, gây phiền hà sẽ nghiêm khắc xử lý.
Người Lao Động