MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị phân cấp địa phương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, nghiệm thu công trình cấp I

30-08-2024 - 16:29 PM | Bất động sản

Kiến nghị phân cấp địa phương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, nghiệm thu công trình cấp I

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, việc sửa đổi các Nghị định lần này cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ về địa phương, giảm áp lực cho Bộ chuyên ngành, giải quyết được bài toán muôn thủa: tắc nghẽn dự án vì hồ sơ thủ tục, đặc biệt là khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) dự án và nghiệm thu công trình.

Cả nghìn hồ sơ báo cáo NCKT dự án phải qua Bộ Xây dựng thẩm định mỗi năm

Theo quy định hiện hành, tại Khoản 4 (a) Điều 13 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d khoản 5 Điều 12 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP), đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác (tức là không thuộc diện dự án đầu tư công, dự án PPP, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công): "Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên".

Các chuyên gia đánh giá, với quy định pháp luật hiện hành, khối lượng Báo cáo NCKT của tất cả các dự án Nhóm A và dự án án Nhóm B có công trình cấp I trên cả nước được chuyển lên Bộ chuyên ngành thẩm định (trong đó có Bộ Xây dựng) rất lớn, trung bình khoảng từ 800 đến 1.000 hồ sơ mỗi năm. Hồ sơ xếp hàng dài chờ số lượng nhân sự chuyên trách ít ỏi của Bộ chuyên ngành thẩm định trong nhiều tháng trời khiến mọi công việc tiếp theo của doanh nghiệp đều bị tắc nghẽn.

"Trên thực tế, tại Bộ Xây dựng với số lượng hồ sơ hàng năm là gần 800 hồ sơ trong khi số lượng cán bộ chuyên trách chỉ khoảng 30 người dẫn đến việc kéo dài thời gian thẩm định Báo cáo NCKT. Thời gian trung bình xử lý hồ sơ trên thực tế từ 60 đến 120 ngày, thậm chí 6 tháng - 1 năm, gây ra sự chậm trễ của cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong khi Tại Điều 59, Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 16, Điều 1, Luật Xây dựng 2020 quy định về thời thẩm định Báo cáo NCKT phụ thuộc vào nhóm dự án, theo đó đối với dự án Nhóm A thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày và dự án Nhóm B không quá 25 ngày", đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest cho biết, thẩm định báo cáo NCKT lâu nay đều đổ dồn về Bộ Xây dựng. Một dự án bất động sản, chỉ riêng thủ tục này mất 6 tháng nếu tập trung tối đa nguồn lực để làm. Pháp lý một dự án có đến mấy chục thủ tục, các bước đi đều phải đi tuần tự. Chỉ cần tắc ở một bước là cả dự án phải chờ. Trong khi đó, thẩm định báo cáo NCKT là bước đi đầu tiên để được cấp phép xây dựng. Nếu bước này không xong, các bước sau cũng tắc theo. Vì thế, cởi trói được bước này thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.

Từ đó, ông Hiệp kiến nghị phải cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục, hồ sơ thiết kế, thẩm định dự án, đặc biệt cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các khâu thẩm định báo cáo NCKT, kiểm tra nghiệm thu dự án. Hiện các dự án hầu như phải qua cửa kiểm duyệt của Bộ chuyên ngành nên tốn nhiều thời gian, công sức, khiến doanh nghiệp nản lòng. Ngoài ra, cũng cần có quy định rõ hơn về tiêu chí đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là những tiêu chí về tầm quan trọng, quy mô vốn, độ phức tạp của dự án…

Điều chỉnh các Nghị định, sớm đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương

Trước những vướng mắc trên, năm 2024 Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu và đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2021. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2021(Dự thảo Nghị định) kỳ vọng sẽ thật sự cải tiến, theo chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền để có thể tháo gỡ toàn bộ các khó khăn này. Nghị định mới Bộ đã trình Chính phủ, dự kiến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay sẽ được ban hành. Khi đó các dự án sẽ được tháo gỡ và ồ ạt triển khai.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, so với Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Dự thảo đã đề xuất phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo NCKT và thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh (trừ dự án nhóm A có công trình cấp I có yêu cầu kỹ thuật phức tạp). Dự thảo Nghị định cũng đưa một số công trình cấp I xuống cấp II phù hợp về mức độ phức tạp; cắt giảm số lượng dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Dự thảo Nghị định 15 sửa đổi lần này tiếp tục phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo NCKT khi cơ quan chuyên môn thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án nhóm A có công trình cấp I trở lên nhưng việc phân cấp theo tiêu chí kết hợp như trên vẫn chưa triệt để. Bởi trên thực tế hầu hết các dự án xây dựng dân dụng từ 800 tỷ đồng trở lên (dự án Nhóm A) đều có công trình cấp I. Do vậy, khối lượng hồ sơ thẩm định Báo cáo NCKT chuyển lên cơ quan xây dựng thuộc Bộ sẽ không thay đổi nhiều.

Với bất cập đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phân cấp phân quyền cho địa phương thẩm định báo cáo NCKT dự án đầu tư XD nhóm A, và đồng thời điều chỉnh quy định để tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình cấp I. Đây là giải pháp căn cơ để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc, chậm trễ trong các khâu thẩm định báo cáo NCKT dự án, nghiệm thu công trình như thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, đặc biệt trong công tác thẩm định Báo cáo NCKT, điều chỉnh ngay trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP lần này. Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên; phân cấp phân quyền cho địa phương thẩm định báo cáo NCKT dự án đầu tư XD nhóm A cũng như các dự án còn lại.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 15/2021 chiều 28/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh phạm vi phân cấp thẩm quyền cho Bộ, ngành, địa phương trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, bỏ những khâu, thủ tục rườm rà, không cần thiết…

Theo Phó Thủ tướng, thay vì phân cấp dựa trên phân loại nhóm dự án (A, B, C), Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án, những dự án đã có tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng sẽ được phân cấp tối đa. Cơ quan chuyên môn về xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định các dự án lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam hoặc mang tính chất đặc thù, chuyên ngành. Phó Thủ tướng mong muốn, sau khi được ban hành, Nghị định sẽ là công cụ quản lý tốt các dự án đầu tư xây dựng với thủ tục hành chính đơn giản hơn.

 

Nam Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên