MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị sửa Nghị định 24 để ngăn chặn vàng lậu

01-12-2016 - 13:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập lậu vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN trong nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể nguồn gốc hợp pháp của vàng nguyên liệu.

Cuối tuần qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên đã phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan An Giang và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Công an tỉnh An Giang đã bắt quả tang đối tượng Rim Ri Linh, sinh năm 1966, quốc tịch Campuchia vận chuyển trái phép qua biên giới gần 18 kg vàng, trị giá trên 16 tỷ đồng. Tại trụ sở Hải quan, Linh còn khai nhận đã vận chuyển trót lọt 3 chuyến vàng qua biên giới. Qua đó cho thấy, hoạt động buôn lậu vàng vẫn còn tiếp diễn phức tạp.

Số liệu thống kê của các quận, huyện, trên địa bàn TP.HCM cho thấy, hiện nay có khoảng 2.000 DN hoạt động kinh doanh vàng. Đến cuối tháng 9-2016, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã cấp được 428 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho các DN có hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Qua 4 năm thực hiện Nghị định 24, khối lượng sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN liên tục tăng qua các năm. Nếu năm 2012 chỉ có 12 DN sản xuất 1.244 kg vàng thì năm 2015 đã tăng lên 386 DN với khối lượng sản xuất trên 13.295 kg vàng. Riêng nửa đầu năm 2016, 420 DN đã sản xuất gần 7.000 kg vàng. Ngoài ra, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong nửa đầu năm, khối lượng mua vàng nguyên liệu của các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn TP.HCM là 105.303 lượng vàng (khoảng gần 4 tấn vàng), tương đương 3.229 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, nhu cầu vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN là rất lớn.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, mặc dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được rút ngắn đáng kể so với mức 5 triệu đồng hồi năm 2012, nhưng có những thời điểm khoảng cách này vẫn ở mức khá cao. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 30-11, giá vàng trong nước được niêm yết ở mức quanh 35,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chỉ ở mức 32,6 triệu đồng/lượng. Khi khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng lớn, khả năng xuất hiện hiện tượng xuất, nhập lậu vàng từ nước ngoài sẽ càng lớn.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức nhưng lại không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mà phải mua vàng trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, khiến giá thành tăng cao, không thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại hay nhập lậu. Điều này đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu vàng phát triển; đồng thời đẩy doanh nghiệp tới tình trạng luôn phải đối mặt với rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng bất hợp pháp.

Qua công tác quản lý, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, nguồn vàng nguyên liệu để các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chủ yếu từ vàng miếng, trang sức cũ phân kim lại, vàng nguyên liệu mua từ các DN khác hoặc mua trôi nổi trên thị trường… Chỉ một số ít DN dùng vàng miếng để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và chấp hành về chế độ hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ rất lớn nên rất ít DN có hóa đơn chứng từ đầu vào. Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định pháp luật nên việc xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu hợp pháp là vấn đề cần quan tâm.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM kiến nghị, ngoài quy định các DN được sử dụng vàng miếng mua của các tổ chức được phép kinh doanh mua bán vàng miếng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, cần quy định cụ thể nguồn gốc hợp pháp của các nguồn vàng nguyên liệu khác như: Vàng nữ trang mua lại của khách hàng, nguồn vàng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ… Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quy định cụ thể về chứng từ hợp pháp của nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cùng với đó, các Bộ ngành cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vi phạm việc nhập khẩu vàng từ các cửa khẩu biên giới. Ngoài ra, theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, nhằm góp phần hỗ trợ các DN kinh doanh vàng phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần có các quy định cho các tổ chức tín dụng được chủ động cho vay đối với các DN kinh doanh vàng.

Theo Khải Kỳ

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên