MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị xử phạt SBIC, VEC, Agribank cùng loạt doanh nghiệp Nhà nước

12-03-2018 - 22:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong số các doanh nghiệp chưa công bố thông tin có những cái tên đáng chú ý như: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, VEC, Agribank...

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty con do doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang điện tử của doanh nghiệp, gửi báo cáo về cơ quan sở hữu.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017 có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6% số doanh nghiệp) gửi báo cáo đến bộ.

Trong số 357 doanh nghiệp còn lại chưa công bố thông tin, có những cái tên đáng chú ý như: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), một số doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…

Một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, 5 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và 4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Về nội dung công bố thông tin, một số tổng công ty lớn như: Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị, Phát triển đường cao tốc, Cà phê, Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2016.

Liên quan đến chất lượng công bố thông tin của một số tập đoàn kinh tế, báo cáo cũng cho biết, chỉ có Tập đoàn Dầu khí thuê công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam để thực hiện kiểm toán, các tập đoàn kinh tế còn lại thuê công ty kiểm toán trong nước để thực hiện kiểm toán.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có đủ cơ sở để đánh giá về tính công khai, minh bạch và khách quan trong việc đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, các cơ quan chủ sở hữu và các doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu về công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Những tồn tại này làm hạn chế đến tính minh bạch, công khai và việc giám sát của các cấp, các cơ quan, tổ chức đến doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước.

Điều 27 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể như: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước không đầy đủ, không chính xác.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như không thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt; không công bố tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp…

Đối chiếu với quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với viên chức quản lý doanh nghiệp theo hướng khiển trách; xử phạt các doanh nghiệp theo quy định trên, yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Theo Kiều Linh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên