MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến trúc quanh hồ Gươm không cần phải hoành tráng

20-10-2016 - 15:42 PM | Bất động sản

UBND Q.Hoàn Kiếm vừa tiến hành lấy ý kiến các Hội nghề nghiệp, trong đó có Hội KTS Việt Nam về phương án “Cải tạo chỉnh trang mặt đứng các phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm” do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) lập.

Những năm qua, nhằm giữ gìn cảnh quan kiến trúc đặc biệt chung quanh khu vực hồ Gươm, một danh thắng, di tích lịch sử của Thủ đô và của cả nước, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong đó có cả tổ chức các cuộc thi kiến trúc với sự tham gia của nhiều KTS quốc tế để tìm ra giải pháp tối ưu cải tạo chỉnh trang quy hoạch kiến trúc chung quanh hồ Gươm và khu vực hồ. Tuy nhiên, những cố gắng trên vẫn chưa đem lại hiệu quả, không thể triển khai vào thực tế.

Thậm chí, đến nay vẫn chưa có một thiết kế đô thị các tuyến phố chung quanh hồ Gươm được phê duyệt triển khai. Và như thế, theo thời gian, bộ mặt kiến trúc quanh hồ Gươm ngày càng lộn xộn, thiếu ngăn nắp, thậm chí còn xuất hiện một số công trình có khối tích không gian đồ sộ, lấn át cảnh quan kiến trúc nơi đây, mà tòa nhà thương mại trên phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hay tòa nhà Bảo Việt trên phố Lê Thái Tổ (vốn trước đây là khách sạn Hà Nội Vàng chuyển đổi công năng) là ví dụ.

Vì thế, lần này với quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền Hà Nội và Q.Hoàn Kiếm, diện mạo kiến trúc các tuyến phố chung quanh hồ Gươm sẽ được chỉnh trang, cải tạo để trả lại nơi đây cái cảnh quan kiến trúc hài hòa, thơ mộng thấm đẫm văn hóa tâm linh vốn có của hồ Hoàn Kiếm. Trong nội dung góp ý cho Hà Nội, Hội KTS Việt Nam cho rằng, đây là dịp để Hà Nội làm thiết kế đô thị một cách bài bản, khoa học; là công cụ quản lý kiến trúc, cảnh quan các phố chung quanh hồ Gươm.

Hiện nay, các tuyến phố nghiên cứu chỉnh trang chung quanh hồ Gươm và lân cận có kiến trúc không đồng nhất về phong cách, chức năng sử dụng, thời kỳ xây dựng. Rất nhiều công trình đã qua cải tạo, xây dựng mới làm sai lệch hoặc làm mất hẳn kiến trúc gốc. Chung quanh hồ vẫn tồn tại kiến trúc xây chen, cơi nới, treo biển quảng cáo, khẩu hiệu rất tùy tiện từ vị trí, màu sắc cho đến kích cỡ.

Việc lợp ngói cho mái dốc, sơn cửa, sơn mặt ngoài cần làm thí điểm trước khi thực hiện trên toàn tuyến phố để tránh những phản ứng ngược của dư luận, tạo sự đồng thuận của các gia đình, người dân sống tại khu vực này. Cần thống nhất kích cỡ, màu sơn, vị trí treo biển số nhà cho thuận tiện và trật tự. Cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho từng hộ dân trong việc chỉnh trang theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng tham gia để việc chỉnh trang cải tạo đạt hiệu quả tốt kể cả việc quản lý kiến trúc sau cải tạo.

Nên đề xuất các kiến trúc nhỏ trên phạm vi khu vực vườn hoa, đường dạo chung quanh hồ như ki-ốt bán hoa, hàng lưu niệm, trạm bưu điện, ATM, thùng rác, ghế ngồi… phù hợp với cảnh quan và tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt trên các tuyến phố đi bộ. Đặc biệt, cần hết sức tránh tư tưởng hoành tráng trong kiến trúc, bởi kiến trúc quanh hồ Gươm vốn là kiến trúc có khối tích nhỏ, thấp tầng nép mình dưới màu xanh cổ thụ và hài hòa cùng các di tích sẵn có như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, đền Bà Kiệu, Tháp Hòa Phong.

Được như thế, hồ Gươm sẽ mãi mãi là lẵng hoa đẹp, là không gian tâm linh và thơ mộng của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng

Báo xây dựng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên