MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiều hối cạn kiệt vì Covid-19, hàng chục triệu gia đình khắp thế giới lao đao

15-05-2020 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Kiều hối là sợi dây cứu sinh cho hàng chục triệu gia đình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi đại dịch virus corona giới hạn khả năng làm việc và gửi tiền về nhà của người di cư, nguồn sống đó đang cạn dần.

Smitha Girish sống ở Kerala ở phía tây nam Ấn Độ với đứa con trai nhỏ Ishaan còn chồng cô đang ở Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Là kỹ sư phụ trách mảng bán hàng nhưng do Covid-19, anh đành phải ở nhà, thất nghiệp.

"Trong tháng vừa qua, anh ấy chỉ ngồi trong căn hộ, không thể tham gia công việc mới của mình, không thể rút tiền từ ngân hàng. Điều đó rất khó khăn, vì anh ấy phải trả một số tiền lớn cho căn hộ của chúng tôi ở đây", Smitha nói.

Số tiền Smitha nhận được mỗi tháng từ chồng là nguồn thu nhập chính của cô.

Dù là một luật sư, cô đã phải ở nhà để chăm sóc cậu con trai mắc chứng tự kỷ. Bây giờ, giống như nhiều người ở Kerala, cô đang phải xoay sở qua ngày với mức thu nhập thấp hơn.

Tình huống của Smitha không phải là duy nhất. Theo Liên hiệp quốc, khoảng 800 triệu người được hưởng lợi từ các khoản tiền do người thân gửi về.

Lượng tiền chảy từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đã tăng đáng kể trong vài thập niên trước, đạt 554 tỷ USD vào năm 2019, gấp ba lần ngân sách viện trợ nước ngoài trên toàn cầu.

Không giống như viện trợ nước ngoài, thu nhập từ kiều hối đi thẳng vào túi các gia đình nghèo, Michael Clemens, giám đốc Trung tâm phát triển toàn cầu ở Washington D.C., cho biết.

Ông nói rằng kiều hối là một "huyết mạch" cho các gia đình trên toàn thế giới và rất quan trọng trong việc giảm nghèo. Nó không chỉ giúp cho các gia đình tồn tại mà còn tạo cơ hội cho người sử dụng kiều hối thực hiện các hình thức đầu tư dài hạn như vệ sinh, giáo dục và chăm sóc sức khỏe giúp họ "khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và cũng có hiệu quả kinh tế cao hơn".

Năm nay, nhiều gia đình sẽ không thể đầu tư như vậy. Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán kiều hối toàn cầu sẽ giảm khoảng 20% ​​vì ảnh hưởng của virus corona, xuống còn 445 tỷ USD trong năm 2020.

Sự suy giảm này là "chưa từng có trong lịch sử", chuyên gia kinh tế Dilip Ratha của WB cho biết. Ông nói rằng trước giờ WB chỉ thấy hai lần giảm kiều hối: giảm 5% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và một lần giảm ít hơn vào năm 2016.

Virus corona ảnh hưởng đến kiều hối theo một số cách. Trong nhiều trường hợp, như với Smitha và chồng cô, người lao động nhập cư không thể làm việc và gửi tiền về nhà. Trong các trường hợp khác, vấn đề nằm ở phía bên nhận, vì việc phong tỏa khiến người dân không thể đến được các nơi chuyển tiền.

Arthur Beare sống ở Monrovia ở Liberia, Tây Phi. Ông nói kể từ ngày 27/03, gần như không thể rút tiền ra khỏi ngân hàng và các nơi chuyển tiền.

Ông nói rằng với việc đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp, kiều hối là quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ mang lại tiền cho người dân sinh sống, mà còn giúp họ an tâm trải qua thời gian cách ly.

"Bạn có gia đình ở quê nhà, anh chị em không đi học và họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của bạn. Khi mọi người đói, các thành viên trong gia đình đói, họ sẽ cố gắng đi ra ngoài và có thể bị nhiễm bệnh. Đó là mối nguy".

Ở Anh, Chandra Ceeka đang gặp vấn đề với việc chuyển tiền cho gia đình.

Là chuyên gia tư vấn CNTT đến từ thành phố Hyderabad ở bang Telangana thuộc miền nam Ấn Độ, Chandra đã sống ở Anh được 18 năm và thường xuyên gửi tiền về quê.

Mặc dù có sẵn các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số, nhưng anh nói rằng nếu không có mối quan hệ với các cửa hàng chuyển tiền thì anh không tài nào thực hiện được các giao dịch như trước đây.

"Họ cố gắng giảm giá cho chúng tôi theo tỷ giá hối đoái và cung cấp cho chúng tôi một dịch vụ tốt. Đến bây giờ, do vấn đề Covid-19, tôi buộc phải chỉ sử dụng các phương thức trực tuyến và chúng tôi không thể thương lượng hay làm bất cứ điều gì khác".

Ông Clemens cho biết tác động của virus corona sẽ được nhìn thấy trong nhiều thập niên tới ở các nước đang phát triển.

Ông chỉ ra một nghiên cứu mang tính bước ngoặt trên Tạp chí kinh tế chính trị (Journal of Political Economy), trong đó nó cho thấy rằng trong dữ liệu điều tra dân số năm 1980, những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế của đại dịch cúm năm 1918 vẫn có thể được tìm thấy ở Mỹ.

Những em bé chưa được sinh ra trong đại dịch đó đã bị giảm mức độ được thụ hưởng về mặt giáo dục, tăng tỷ lệ khuyết tật về thể chất, thu nhập thấp hơn, địa vị kinh tế xã hội thấp hơn và có nhiều khả năng phải cần đến phúc lợi nhiều hơn.

Tương tự như vậy, ông nói rằng trẻ nhỏ bây giờ, ngay cả những trẻ chưa được sinh ra, thu nhập của cha mẹ bị giảm do kiều hối giảm, sẽ "nhiều khả năng bị thiệt mạng, suy dinh dưỡng, phải bỏ học để kiếm thu nhập phụ giúp gia đình hơn. Và thật không may, đó là những điều mà các nhà nghiên cứu trong tương lai sẽ có thể phát hiện ra trong dữ liệu từ 50 đến 70 năm tới".

Tham khảo: BBC

Lê Thanh Hải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên