Kiều hối sẽ phục hồi sau Covid
Ngân hàng Thế giới mới đây công bố báo cáo Di cư và Kiều hối, trong đó dự báo lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 7% về mức 15,7 tỷ USD tương đương khoảng 5,8% GDP. Phóng viên Thời báo Ngân hàng phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM về những nguyên nhân lượng kiều hối giảm sau nhiều năm tăng liên tiếp.
- 06-11-2020Kiều hối về Việt Nam được dự báo lần đầu tiên sụt giảm trong 10 năm
- 03-11-20204,7 tỉ USD kiều hối chuyển về TP HCM
- 06-05-2020Kiều hối sụt giảm vì dịch Covid-19
Các dự báo gần đây cho biết dòng kiều hối đang giảm so với mọi năm. Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?
Nguyên nhân chính khiến lượng kiều hối giảm trong những tháng đầu năm 2020 do tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động. Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng nằm trong xu hướng khó khăn đó. Dịch bệnh đã khiến nhiều kiều bào mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ nên không có thu nhập do đó đã hạn chế chuyển kiều hối về cho thân nhân ở quê nhà.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2020 lượng kiều hối về TP.HCM chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kiều hối đã tăng trở lại sau khi dịch bệnh ở một số quốc gia tạm thời lắng xuống. Đơn cử, trong tháng 10/2020 riêng TP.HCM đã có 500 triệu USD kiều hối chuyển về qua các TCTD.
Chúng tôi dự báo trong 3 tháng cuối năm 2020, tình hình kiều hối sẽ dần hồi phục trở lại sau khi các nước trên thế giới đã có những biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt là nhiều quốc gia đã nới lỏng các lệnh đóng cửa xã hội, khôi phục kinh tế sẽ là cơ hội cho việc làm và thu nhập đối với người lao động, lượng kiều hối sẽ trở lại bình thường. Hơn nữa, Việt Nam là một trong ít các quốc gia trên thế giới kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá thành công sẽ tạo cơ hội đầu tư vào Việt Nam và thu hút kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2020 lượng kiều hối về TP.HCM đã lên trên 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019 và chúng tôi dự ước năm 2020 kiều hối chuyển về TP.HCM qua các TCTD sẽ vẫn đạt 5,5 tỷ USD tăng 0,82% so với năm 2019.
Ông vừa nói môi trường kinh tế vĩ mô và các chính sách của Việt Nam đang tạo điều kiện cho việc thu hút kiều hồi?
Thực tế, kiều hối là nguồn tiền của người Việt Nam lao động, sinh sống ở nước ngoài dành ra gửi về hỗ trợ thân nhân ở trong nước. Theo đó, người thân trong nước nhận kiều hối sử dụng vào sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng trên nguyên lý là dòng tiền đầu vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Chính sách kiều hối của Việt Nam không đánh thuế thu nhập người nhận kiều hối và dịch vụ kiều hối ngày nay đã rất mở rộng, các TCTD chi trả kiều hối tận nhà cho người nhận và chỉ thu phí của người chuyển từ nước ngoài chứ không thu phí nhận kiều hối.
Trong những năm gần đây tỷ giá đồng Việt Nam so với USD rất ổn định nên xu hướng người dân nhận những món kiều hối nhỏ lẻ đều bán lại ngoại tệ cho các TCTD chi trả. Một số ngân hàng còn sử dụng công nghệ chi trả kiều hối và chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng kiệm có lãi suất cao. Điều này đã khuyến khích cả người chuyển kiều hối và người nhận kiều hối giao dịch qua các TCTD vừa đảm bảo an toàn và có cơ hội sinh lãi từ nguồn ngoại tệ kiều hối cho người nhận.
Việt Nam được WB xếp thứ 9 trong 20 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới
Kiều hối chuyển về TP.HCM những năm qua ít chịu tác động bởi khủng hoảng kinh tế do nguồn tiền của Việt kiều định cư ở nước ngoài. Nhưng thế hệ Việt kiều tuổi cao sức yếu và đang mai một theo thời gian có thể ảnh hưởng đến lượng kiều hối trong những năm tới?
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM nhiều năm qua luôn chiếm khoảng trên dưới 40% kiều hối của Việt Nam, lãnh đạo thành phố xác định kiều hối là nguồn vốn vàng phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, để kiều hối phát triển bền vững, cần nuôi dưỡng nguồn kiều hối bằng những dịch vụ trong nước như phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch… để kiều bào mỗi khi về nước sử dụng dịch vụ sẽ tạo ra một kênh kiều hối mới.
Thời báo ngân hàng