Kiều Trang Elight lên tiếng sau nửa năm im lặng: "Vấp ngã khiến chúng tôi đi chậm lại nhưng chắc chắn hơn"
Nửa năm sau những lùm xùm liên quan đến phát âm sai, thông tin chưa rõ ràng về học bổng của chính phủ Úc và mới đây nhất là "sự cố" trong vòng chung kết cuộc thi VietChallenge 2018, Kiều Trang đã chính thức lên tiếng về những vấn đề cá nhân và cả Elight đang đối mặt.
"Tôi buộc phải làm theo nguyên tắc đã được thỏa thuận trước đó, chứ không phải muốn là được phép nói"
Phan Kiều Trang (SN 1990, tại Sóc Sơn) là giảng viên kiêm CEO của trung tâm tiếng Anh Elight. Kiều Trang từng vướng phải nhiều lùm xùm liên quan đến bản thân và cả Elight trong hơn nửa năm qua nhưng chưa khi nào cô chính thức lên tiếng.
Trong Vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Toàn cầu Thử thách Việt (VietChallenge 2018) được tổ chức tại Boston (Hoa Kỳ) mới đây, Kiều Trang thừa nhận, công ty đang đối mặt với "một cuộc khủng hoảng PR hình ảnh thương hiệu", chính là nói về những sự vụ trước đây mà phần nhiều có liên quan đến thầy giáo Daniel Hauer.
Trang từng bị chính thầy giáo này "bắt lỗi" phát âm chưa chính xác trong đoạn clip dài 15 phút "Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam". Những ngày tiếp theo, trước những áp lực của dư luận, cô và đội ngũ giáo viên đã thực hiện clip xin lỗi, hứa sẽ hoàn thiện bản thân hơn trong thời gian sắp tới.
Trước đó, Kiều Trang cũng bị nhiều cư dân mạng cho rằng đã bịa ra chuyện giành được học bổng Endeavour của Chính phủ Úc năm 2011. Cụ thể, có nhiều người tìm hiểu danh sách sinh viên được nhận học bổng Endeavour từ năm 2007 đến 2016, tuy nhiên lại không hề thấy tên của Kiều Trang như cô từng nhận.
Kiều Trang lần đầu lên tiếng về những ồn ào xảy đến với mình và trung tâm Elight.
Xin chào Kiều Trang, lý do nào thôi thúc chị chính thức lên tiếng sau hàng loạt sự cố gắn liền với sự nghiệp từ khi Elight được thành lập?
Thực ra để đi đến quyết định này tôi có khá nhiều trăn trở. 8 tháng trước lần đầu gặp khủng hoảng truyền thông, tôi khá hoang mang và không biết phải làm gì. Elight đã thành lập được hơn 3 năm nay và gặp khá nhiều sự cố. Lúc đó tôi đã quyết định dừng lại suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân, dành thời gian học hỏi và tìm hiểu cặn kẽ về những gì đã xảy ra.
Thời điểm sau khi cuộc thi VietChallenge kết thúc , tôi nghĩ đã đến lúc mình phải giải thích cho tất cả những thắc mắc của độc giả và chính những khách hàng vẫn luôn trung thành với chúng tôi thời gian qua.
Kiều Trang đại diện Elight tham gia dự thi VietChallenge 2018 - vòng thi tổ chức tại Việt Nam - Ảnh: Internet.
Tại sao chị và Elight quyết định tham gia cuộc thi VietChallenge 2018?
Elight là 1 Startup non trẻ, còn tôi là một người đam mê tiếng Anh, có kinh nghiệm tự học và mong muốn chia sẻ điều đó để giúp ích được cho các bạn giống tôi ngày xưa. Càng làm thì càng thấy mình thiếu kinh nghiệm về nhiều thứ và Elight thật sự cần thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế để có thể làm tốt hơn. Tham gia các chương trình như VietChallenge chính là một cơ hội rất tuyệt vời để tôi có thể gặp gỡ, học hỏi, cọ xát và mở rộng hiểu biết của mình.
Vì sao khi BGK yêu cầu chị công khai những con số, không hẳn tuyệt đối, về số liệu học viên tham gia các khóa học của Elight qua website, kèm theo đó là chi phí người học phải bỏ ra để sử dụng dịch vụ học tập, chị không thể cung cấp? Chị không nắm được những thông tin này hay chị không muốn công khai?
Bản thân tôi nghĩ cơ cấu mỗi tổ chức khác nhau. Khi tham gia cuộc thi này, tôi là người đại diện đi thi trong khi thực ra Elight là một tổ chức có rất nhiều thành viên. Chúng tôi buộc phải làm theo nguyên tắc đã được thỏa thuận trước đó. Khi tôi muốn công khai bất cứ số liệu nào thì phải được sự đồng ý của tất cả thành viên, chứ không phải cứ muốn là tôi được phép nói.
Clip: Kiều Trang Elight tham gia VCK cuộc thi khởi nghiệp VietChallenge 2018 tổ chức tại Boston (Hoa Kỳ) - Nguồn: Youtube My First Step
Thế nghĩa là Elight đã không hề lường trước được việc BGK sẽ buộc các nhóm dự thi phải đưa ra những con số để thuyết phục?
Trước hết, tôi muốn nói, Vietchallenge là một cuộc thi rất thú vị, có rất nhiều vòng thi bổ ích. Có một vòng tôi rất ấn tượng mang tên gọi là mentorship (vòng hỗ trợ). Nghĩa là chương trình sẽ tìm cho mỗi đội 3, 4 người giúp mình trong vòng 6 tháng để hoàn thiện ý tưởng cũng như phản biện. Trong suốt quá trình làm việc với các mentors (chuyên gia), chúng tôi liên tục hỏi, liệu với những con số không thể công bố thì phải trả lời ban giám khảo như thế nào? Thì khi đó, mọi chuyên gia đều đi đến kết luận rằng: "Hãy trả lời là chúng tôi không chia sẻ thông tin này được, nếu giám khảo cần chúng tôi sẽ gửi lại những thông tin này sau".
Chúng tôi đã trả lời như vậy ở vòng 1 và vòng 2 cuộc thi trong khuôn khổ tại Việt Nam, ban giám khảo đều đồng ý với câu trả lời đấy.
Kiều Trang Elight trong vòng thi chung kết - Ảnh cắt từ clip
Vậy ở vòng chung kết, chị cũng đã trả lời tương tự như thế. Liệu BGK đã nhận được những con số chị hứa hẹn sẽ cung cấp sau đó?
Sau vòng chung kết, trong hội đồng BGK có người hỏi và cũng có người không. Chúng tôi đã nói nếu họ cần thông tin thì chúng tôi sẽ gửi lại, nếu họ muốn trao đổi trực tiếp chúng tôi cũng sẵn sàng gặp gỡ. Sau đó, những giám khảo quan tâm đều đã được gửi đầy đủ thông tin về số liệu.
Chị thừa biết nếu không đưa ra những con số cụ thể thì Elight hoàn toàn lép vế hơn so với đội khác chứ?
Thế tôi mới nói mục đích tham gia cuộc thi của các đội là khác nhau. Elight đi thi là để học! Cái mà chúng tôi thấy đáng giá nhất của cuộc thi chính là 6 tháng hỗ trợ của các chuyên gia. Tôi nghĩ, một buổi thuyết trình chưa thể đánh giá hết các doanh nghiệp, và 6 tháng kia với chúng tôi giá trị hơn rất là nhiều.
Các chuyên gia đã hỗ trợ, giúp chúng tôi hoàn thiện ý tưởng. Sau cuộc thi, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ với các mentors và họ vẫn tiếp tục hỗ trợ Elight. Kể cả những khủng hoảng của chúng tôi, các mentors cũng cố gắng tìm ra hướng đi, giải pháp.
Trong phần thi, khi không nhận được câu trả lời thỏa đáng, BGK đã hỏi: "Cô nỗ lực vào Vòng chung kết để làm gì?", bây giờ chị đã có câu trả lời chưa?
Tôi không nghĩ là phải đến chung kết, đi đến bán kết hay cái gì cả. Khi mà mình tham gia một cuộc thi, thì đi được đến đâu là tốt đến đấy. Chúng tôi chỉ muốn học hỏi từ 5 đội rất mạnh còn lại. Các ý tưởng rất hay, chúng tôi học được rất nhiều từ các đội thi và từ các mentors. Đó là giá trị cốt lõi mà chúng tôi mong muốn nhất.
Elight còn là 1 start up rất non, bản thân tôi còn không có nhiều kinh nghiệm. Thắng hay thua không quá quan trọng. Khi ấy, lời nói của BGK không khiến tôi suy sụp, nhưng tôi học được quá nhiều điều rồi, tôi không có gì phải hối tiếc.
Nhiều khán giả cho rằng bài thuyết trình đã thể hiện sự chuẩn bị không cẩn thận của đội ngũ Elight, chị nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Chúng tôi đã tham gia cuộc thi này triền miên trong nhiều tháng. Khái niệm chuẩn bị "kỹ" với nhiều người có vẻ khác nhau. Tôi dành 10 tiếng một ngày cho cuộc thi này, nhưng có thể người khác sẽ định nghĩa, chuẩn bị cẩn thận phải là toàn tâm dành 24 tiếng. Dù chưa thắng giải lớn cũng có thể do đây là lần đầu tiên Elight tham gia một cuộc thi tầm cỡ quốc tế như thế. Hoặc thậm chí chúng tôi thiếu đi một chút may mắn.
Đến bây giờ, thay vì nói Elight đã chuẩn bị rất kỹ, chúng tôi sẽ khẳng định Elight đã nỗ lực hết sức. Chúng tôi mong muốn mọi người ghi nhận năng lực cả đội chứ không riêng một cá nhân nào. Nếu được quay lại, chúng tôi sẽ vẫn có sự chuẩn bị như vậy.
Kiều Trang Elight thừa nhận đã có lỗi sai trong quá trình làm nghề
Chúng ta hãy nói tới những khủng hoảng trước đây của Elight, chị có thừa nhận những lỗi sai trong cách phát âm và sách tiếng Anh mà các chị đã biên soạn?
Trước hết chúng tôi phải chia sẻ, trong quá trình làm chúng tôi có những thiếu sót. Đương nhiên trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi cũng đã cố gắng để nó tốt nhất, đúng nhất. Thực ra mỗi lần làm xong 1 clip hay 1 trang sách, chúng tôi rất hạnh phúc. Tuy nhiên lỗi sai có thể đến từ sự thiếu chuyên nghiệp bởi Elight còn khá non trẻ và chúng tôi còn thiếu nhiều kinh nghiệm.
Với cuốn sách đầu tay có thể quy trình chưa được chuẩn chỉnh. Bản thân chúng tôi nhìn vào lỗi sai đó cũng rất khó chịu và không thể tha thứ được cho mình. Vì chúng tôi cũng muốn làm ra 1 sản phẩm tốt nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện bằng việc đối mặt với những lỗi sai ấy.
Những sai lầm cơ bản về ngữ pháp...
... cho đến sử dụng ví dụ, minh họa y chang từ sách nước ngoài - Ảnh chụp màn hình.
Còn về học bổng danh giá Endeavour của Chính phủ Úc năm 2011, chị có thực sự nhận được?
Tôi chưa từng nói mình nhận được học bổng Endeavour bậc Thạc sĩ nên khi các bạn tìm trong danh sách Thạc sĩ không thấy tên tôi là đúng rồi. Học bổng tôi nhận được là của chương trình Endeavour Student Exchange, mà theo đó tôi được miễn toàn bộ học phí cho 1 kì học tập tại trường Đại học Victoria (Melbourne) và được tài trợ thêm $5.000 bởi Australian Department of Education, Employment and Workplace Relations (DEEWR)
Là 1 trong 6 sinh viên duy nhất của trường ĐH Hà Nội được nhận học bổng này vào năm 2011, với tôi đó là một niềm vinh dự cũng như biết ơn to lớn với trường ĐH Hà Nội và học bổng Endeavour. Nhờ chương trình này mà tôi mới có cơ hội được ra nước ngoài trải nghiệm và học tập rất nhiều điều tuyệt vời từ đất nước Australia xinh đẹp.
Chị nghĩ trong tương lai, Elight sẽ nỗ lực để "hoàn hảo" nhất có thể?
Chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày để giúp cả cộng đồng học tập tốt hơn. Elight vẫn ngày đêm thực hiện điều đó. Những ai yêu quý và tin tưởng Elight đều nhận ra, chúng tôi không hề bật quảng cáo kiếm tiền trên các video của mình vì điều đó làm gián đoạn tiến trình học tập của học viên.
Chúng tôi hứa sẽ không ngừng cố gắng để hoàn thiện mình nhiều hơn, dù không bao giờ dám hứa sẽ đưa ra sản phẩm không có lỗi nào vì chúng tôi còn thiếu sót. Chúng tôi muốn nói lời cảm ơn tới mọi người, nhất là những khách hàng trung thành với Elight trong suốt 3 năm qua. Chúng tôi đã mắc lỗi và chính thức xin lỗi về những gì chúng tôi đã gây ra dù vô tình hay cố ý.
Nhiệm vụ của Elight là phải làm mọi thứ tốt hơn nữa để mọi người nhìn nhận và đánh giá lại. Ví dụ như chúng tôi đang tiến hành viết lại sách, thực hiện thêm 500 video bài giảng trên Youtube Elight với chất lượng cao hơn, được kiểm soát chặt chẽ hơn và hoàn toàn miễn phí. Những bài giảng chưa hoàn thiện hoặc có chỗ sai sẽ được rà soát và làm lại. Tuy nhiên việc này sẽ cần thời gian vì số lượng video Elight thực hiện trong 3 năm qua là khá nhiều. Và sự đón nhận của học viên phải cần thời gian, không phải một sớm một chiều là được.
Thực ra có một bộ phận khách hàng vẫn luôn tin tưởng và ủng hộ Elight. Khi khủng hoảng xảy đến, các lớp học vẫn diễn ra bình thường, học sinh còn đến động viên giáo viên. Có những người chờ chúng tôi quay trở lại là động lực để Elight bước tiếp, làm tốt hơn nữa. Chúng tôi mất 3 năm để gây dựng thương hiệu, và giờ nếu tiếp tục mất thêm 3, 5 năm nữa để mọi người ghi nhận lại, chúng tôi cũng xin chấp nhận.
Hơn 3 năm vẫn là câu chuyện quá ngắn để 1 doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Nhiều trung tâm ở Hà Nội thậm chí tuổi đời phải hơn 10 năm. Đội ngũ của Elight còn mỏng, vấp váp và sai. Vấn đề là từ những chỗ vấp đó để học tập, không có con đường nào quá bằng phẳng. Cú vấp ngã khiến chúng tôi đi chậm hơn, nhưng lại chắc hơn.
Khủng hoảng truyền thông của Elight có phải là khủng hoảng đầu đời của chị?
Đó là khoảng thời gian lần đầu trong đời tôi cảm thấy tồi tệ như thế. Buồn chứ, vì cảm giác mình đã mất hết tất cả, cả danh dự trong đấy. Mình không còn gì, còn bị chỉ trích. Đi ra đường còn bị người ta trách mắng. Đến bây giờ vẫn có người chửi mình, mình cũng chẳng xóa những comment tiêu cực trên fanpage vì không muốn mọi người nghĩ mình che giấu điều gì.
Thời điểm ấy, nhiều lúc tôi nghĩ mình sẽ sống như thế nào đây. Mọi thứ tối đen, không có gì cả. Nếu được hỏi có muốn quay lại khoảng thời gian đó hay không thì tôi không hề muốn. Thất bại bắt buộc phải xảy ra trên con đường này và tôi sẽ tiếp tục thất bại nếu không học được từ cú ngã trước đó.
Xin chân thành cảm ơn chị Kiều Trang về buổi trò chuyện hôm nay!
BGK cuộc thi VietChallenge 2018: "Hy vọng Elight sẽ tiếp thu được những bài học này và có thể đưa sản phẩm ra thế giới"
Theo tôi, Elight là một trong những đội có phần thuyết trình tốt nhất ở vòng chung kết, dù phần hỏi - đáp chưa đáp ứng được yêu cầu của một vài thành viên ban giám khảo. Dù là một start up còn non trẻ nhưng đội đã chứng minh được khả năng thực thi của mình thông qua việc phát triển nội dung và sản phẩm có rất nhiều người sử dụng.
Anh Tuấn Phạm (thứ 2 từ bên trái sang) - 1 trong 6 thành viên BGK cuộc thi VietChallenge 2018.
Dạy ngoại ngữ là một lĩnh vực vô cùng cạnh tranh, người học hiện nay được cung cấp rất nhiều sự lựa chọn cả học trực tiếp trên lớp lẫn khóa học trên mạng. Các đối thủ cạnh tranh của Elight trong mảng khóa học trực tuyến cả trong và ngoài nước đều có vốn đầu tư lớn, và sự phát triển của họ nghĩa là mở rộng đến các thị trường mới như Việt Nam và các quốc gia khác mà Elight cũng đã đề cập trong phần trình bày của mình.
Hiện tại Elight đã cho thấy những kết quả tích cực ban đầu, tuy nhiên theo tôi Elight vẫn cần phải chỉ ra tại sao khóa học tiếng Anh mà họ cung cấp cho những người học tại Việt Nam là một sự lựa chọn tốt hơn cả, xét về tính hiệu quả cũng như khả năng duy trì và mở rộng lượng người dùng. Các công ty, tổ chức khác có thể có vốn lớn hơn cũng như thời gian của họ tại thị trường lâu hơn, nhưng có lẽ một trong những thế mạnh của Elight là sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của thị trường và học viên Việt Nam.
Cuối cùng, lời khuyên và tiêu chuẩn mà tôi đặt ra cho bản thân cũng như những người khác đó là hãy trung thực và ham học hỏi một cách có tri thức. Hy vọng rằng, Elight sẽ tiếp thu được những bài học này và có thể đưa sản phẩm ra thế giới như tầm nhìn của các bạn.
Trí thức trẻ