MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kim loại "nắm giữ cả tương lai thế giới": Việt Nam xuất khẩu vị trí hàng đầu toàn cầu

16-12-2021 - 08:25 AM | Xã hội

Kim loại "nắm giữ cả tương lai thế giới": Việt Nam xuất khẩu vị trí hàng đầu toàn cầu

Theo dữ liệu của Viện MIT (Mỹ), năm 2019, Việt Nam xuất khẩu antimon thứ 2 thế giới.

Ứng dụng của antimon

Antimon (Sb) là kim loại màu quan trọng, antimon nguyên chất có tính chất đặc biệt cứng và giòn. Nó hầu như chỉ được sử dụng dưới dạng hợp kim mà không được sử dụng ở dạng kim loại.

Antimon được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất vòng bi, trục máy, phụ tùng ôtô. Đặc biệt, antimon được sử dụng nhiều trong sản xuất các sườn cực ắc-quy, chiếm từ 10 đến 12% khối lượng của các sườn điện cực.

Không chỉ có vậy, trong lĩnh vực quốc phòng, antimon còn được dùng để chế tạo vỏ lựu đạn, chất nổ. Một số lĩnh vực khác dùng tới Antimon có thể kể đến như sản xuất cao su, thủy tinh, thuốc nhuộm, diêm, dây cáp, vật liệu bán dẫn cũng dùng các nguyên liệu chứa kim loại antimon.

 Kim loại nắm giữ cả tương lai thế giới: Việt Nam xuất khẩu vị trí hàng đầu toàn cầu - Ảnh 1.

Antimon được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ cao, đây là thành phần chính trong chất bán dẫn, bảng mạch, công tắc điện, ánh sáng huỳnh quang, kính trong suốt chất lượng cao và pin lithium-ion. Các sản phẩm quen thuộc như điện thoại thông minh, TV độ phân giải cao, thiết bị nhà bếp hiện đại hay thậm chí cả ô tô sử dụng mạch kỹ thuật số đều cần tới antimon.

Có thể tạm kết luận, antimon là vật liệu rất quan trọng đối với tất cả các ngành công nghiệp của hiện tại và tương lai.

Christopher Ecclestone, nhà chiến lược khai thác tại Hallgarten & Company có trụ sở tại London, cho biết cách đây vài năm, Trung Quốc sản xuất tới 80% nguồn cung antimon trên thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất quá mức các mỏ chủ chốt trong nhiều năm, cùng với giá hàng hóa thấp kéo dài đã làm giảm tỷ trọng sản xuất antimon trên toàn cầu của Trung Quốc xuống còn 53%.

Thế mạnh của Việt Nam

Theo dự án quan sát kinh tế OEC thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu lượng antimon trị giá 34,3 triệu USD, trở thành nhà xuất khẩu antimon thứ 2 thế giới. Địa điểm xuất khẩu chủ yếu của antimon Việt Nam là: Bỉ (9,63 triệu USD), Nhật Bản (6,44 triệu USD), Tây Ban Nha (4,49 triệu USD), Mỹ (4,01 triệu USD) và Pháp (2,66 triệu USD).

Các thị trường xuất khẩu Antimon của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 là Tây Ban Nha (1,42 triệu USD), Hàn Quốc (1,29 triệu USD) và Mỹ (1,06 triệu USD).

Cũng trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 641 nghìn USD antimon, chủ yếu nhập từ Trung Quốc (khoảng 600 nghìn USD).

Theo Statista, sản lượng antimon khai thác tại Việt Nam vẫn chưa ổn định. Cụ thể, trong 10 năm qua, sản lượng trung bình là khoảng 300 tấn, chỉ có năm 2013 (1.238 tấn) và năm 2014 (1.373 tấn).

 Kim loại nắm giữ cả tương lai thế giới: Việt Nam xuất khẩu vị trí hàng đầu toàn cầu - Ảnh 2.

Theo Quyết định về "Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram, antimon đến năm 2025, có xét đến năm 2035" của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn đến năm 2025, Việt Nam duy trì sản xuất các dự án hiện có và đầu tư mới một số dự án trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang. Dự kiến sản lượng khai thác đến năm 2020 đạt 860 tấn antimon, năm 2025 đạt 819 tấn antimon.

Trong giai đoạn đến năm 2026 - 2035: đầu tư duy trì sản xuất các dự án hiện có, đầu tư mới dự án antimon. Dự kiến sản lượng khai thác đạt 1299 tấn antimon.

Năm ngoái, TS Đào Ngọc Nhiệm cùng các cộng sự tại Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đề xuất quy trình thu hồi antimon mới, không chỉ giúp tận dụng nguồn antimon từ các quặng nghèo, quặng phế thải, mà còn góp phần mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc thu hồi các kim loại quý hiếm có giá trị kinh tế cao từ quặng và bã thải ở Việt Nam hiện nay.

Không chỉ có độ sạch cao hơn, TS Đào Ngọc Nhiệm cho biết thêm "tùy tình hình quy mô thực tế, chi phí của quy trình công nghệ này chỉ bằng 1/3 so với nhập ngoại".

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đang liên hệ và kết nối để chuyển giao cho các nhà máy về tinh chế thu hồi antimon ở Hòa Bình và Hà Giang.

Theo Cục sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học Công nghệ), với những số liệu khả quan này, quy trình thu hồi antimon từ nguồn antimon đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-0023004 , được công bố vào ngày 25.2.2020.

Chưa dừng lại ở đó, với TS Đào Ngọc Nhiệm, kết quả nghiên cứu về antimon chỉ là bước khởi đầu, giúp ông có thêm động lực "để nghiên cứu các quy trình công nghệ nhằm tận thu những kim loại có giá trị kinh tế cao, giúp sử dụng hiệu quản nguồn khoáng sản có ích làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất, và xa hơn nữa là thay thế hàng nhập ngoại".

Với các tiềm năng lớn về antimon, Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng phát triển cho tương lai của ngành này.

https://soha.vn/kim-loai-nam-giu-ca-tuong-lai-the-gioi-viet-nam-xuat-khau-vi-tri-hang-dau-toan-cau-20211215164502287.htm

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên