Kim loại, năng lượng chưa chịu nhiều áp lực từ việc đồng USD tăng
Trong tuần từ ngày 4-10/11/2017, giá trị đồng USD tăng khiến cho nhiều hàng hóa giao dịch bằng đồng bảng xanh phải chịu áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, dầu mỏ, khí đốt và các kim loại công nghiệp hiện tại vẫn chưa chịu tác động rõ ràng.
- 09-09-2017Không phải vàng, đây mới là kim loại sẽ được thèm khát nhất trong tương lai
- 15-08-2017Không chỉ có vàng, 5 lý do này sẽ khiến bạn nhận ra nên đầu tư vào kim loại quý này
- 08-08-2017Sau đợt "bão giá" thép, giá hàng loạt kim loại khác liên tục lập đỉnh
Đây là thông tin tốt trong trung hạn đối với các nước xuất khẩu nguyên vật liệu thô như Việt Nam nói riêng và các thị trường mới nổi khác nói chung, Báo cáo Cập nhật Hàng hóa tuần từ ngày 4-10/11/2017 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho hay. Thế nhưng, điều này lại không tích cực đối với các nước nhập khẩu nguyên vật liệu thô, như EU và Trung Quốc do các quốc gia này đang phải đối mặt với áp lực lạm phát vì giá cả hàng hóa tăng cao gây đội chi phí.
Năng lượng
Giá dầu tăng mạnh cuối tuần trước sau vụ bắt giữ các hoàng tử ở Ả-rập Saudi trong cuộc chiến chống tham nhũng của Thái tử. Một số người cho rằng động thái chính đằng sau vụ bắt giữ là Thái tử muốn thanh trừ các đối thủ chính trị, nhưng dù bất kể lý do nào thì hành động này đã khiến thị trường dầu mỏ trở nên bất ổn, dẫn đến giá dầu tăng mạnh. Cùng lúc đó, quốc gia này cũng đang đẩy mạnh việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác được ký kết vào cuối năm 2016.
Ả-rập Saudi đặt mục tiêu đẩy giá dầu lên 70 USD/thùng để đáp ứng chi tiêu chính phủ, nhưng khi giá dầu tăng thì lợi nhuận của sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng tăng. Theo VPBS, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao hơn, sản lượng dầu đá phiến cũng sẽ tăng lên và khiến giá dầu giảm trở lại. Với giá dầu thô ở mức cao nhất trong hơn hai năm gần đây, áp lực chốt lời cũng có thể tăng mạnh. Do đó, đà tăng của giá dầu hiện nay có thể chỉ là tạm thời và quả nhiên, trong cuối tuần vừa qua giá dầu đang bắt đầu quay đầu giảm.
Cùng lúc đó, giá khí gas tự nhiên tăng đáng kể do ảnh hưởng từ những nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường của Trung Quốc. Một chương trình quy mô lớn để chuyển đổi nguồn cung năng lượng công nghiệp từ than đá sang sử dụng khí tự nhiên, đồng thời chuyển nguồn nhiệt gia đình từ lo than sang lò khí, dẫn đến nhu cầu khí tự nhiên tăng mạnh ngoài dự đoán vì mùa đông đang đến, dự báo sẽ khắc nghiệt hơn năm ngoái. Trung Quốc rõ ràng đã đánh giá thấp nhu cầu đó và đã buộc phải mua trên thị trường giao ngay, dẫn đến giá khí đốt leo thang rõ rệt.
Thép và kim loại công nghiệp
Các kế hoạch giảm ô nhiễm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng mạnh đến giá thép, quặng sắt và than cốc. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu cắt giảm sản lượng thép để giảm khí thải vào mùa đông và đồng thời cho đóng cửa các nhà máy thép cũ và kém hiệu quả. Điều đó đã dẫn đến giá thép tăng và giá quặng sắt và than cốc giảm.
Tuy nhiên, giá quặng sắt và than cốc đã bắt đầu đảo chiều trong tuần này vì các nhà đầu tư đánh giá lại chiến lược của Trung Quốc. Họ nhận định rằng sự cắt giảm sản lượng thép theo mùa sẽ không có ảnh hưởng trong dài hạn tới nhu cầu về nguyên liệu đầu vào của sản xuất thép. Bên cạnh đó, việc giảm lượng cầu nguyên liệu đầu vào sau khi đóng cửa các nhà máy thép cũ sẽ được bù lại bằng việc sản lượng sản xuất sẽ gia tăng ở nhà máy mới, cùng với sự tăng nhu cầu cho nguyên vật liệu thô chất lượng cao hơn.
Giá kim loại đồng tiếp tục tăng trong dài hạn do nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo gia tăng và xe điện ngày càng trở nên phổ biến hơn, mặc dù giá có thể đã chạm đỉnh ngắn hạn vì kim loại này đang quá mua và một số quỹ phòng hộ cũng đã kiếm được lợi nhuận khá lớn từ trạng thái của họ. Các kim loại khác cần thiết cho năng lượng tái tạo và sản xuất xe điện, như lithium và
niken, cũng đang tăng giá. Việc giá nhôm tăng gần đây làm dịu những lo ngại về việc giải quyết lượng cung thép dư thừa mặc dù Trung Quốc đã thực hiện cắt giảm sản lượng. Điều này có thể khiến giá thép giảm xuống và giá nhôm tăng lên quá cao.
Giá thép thế giới tiếp tục đà tăng mạnh trong quý 3/2017 và thiết lập mức cao nhất trong tháng 9 tại mức 4.440 USD/tấn. Giá thép sau đó đã trải qua đợt giảm mạnh và xuyên thủng trendline (đường biểu thị xu hướng của tập giá trị có sẵn) tăng trung hạn ở mức 4.000 USD và đà giảm sau đó đã lấy đi hết thành quả đạt được trong quý 3 khi giảm về lại mức quanh 3.600 USD/tấn vào cuối tháng 10/2017.
Trong khi đó, biến động giá quặng sắt khá tương đồng với giá thép trong quý 3/2017 khi tạo đỉnh ngắn hạn trong cuối tháng 8, đầu tháng 9/2017 và sụt giảm mạnh trở lại vùng 60 USD/tấn từ cuối quý cho tới hiện tại. Như vậy, giá quặng sắt đã tạo một đỉnh mới thấp hơn đỉnh tháng 2 đầu năm nay và từ đó hình thành trendline giảm trung hạn về mặt phân tích kỹ thuật với mức kháng cự tiềm năng trong tương lai gần cho giá hàng hóa này tại vùng 68-70 USD/tấn.
Giá than cốc tăng mạnh trong đầu quý 3 nhưng nhanh chóng quay đầu và suy giảm liên tục trong suốt thời gian còn lại của quý 3 về lại mức 150 USD/tấn. Hiện tại giá than cốc đang dao động đi ngang khá bằng quanh vùng 165 USD sau giai đoạn sụt giảm trong quý 3.
Cao su
Giá cao su thiên nhiên vẫn ở mức thấp, đi cùng với đó là những hoài nghi về thực trạng của nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu mặt hàng cao su tự nhiên có thể không đạt được như các dự báo đã đưa ra khi cây cao su được trồng vào khoảng năm 2010 đang cho năng suất tốt.
Tuy nhiên, mưa lớn ở các vùng sản xuất cao su của Ấn Độ cũng góp phần làm giảm lượng cung ứng, giúp đưa thị trường cao su về mức ổn định trong ngắn hạn.
Người đồng hành