MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối quan hệ dầu – vàng nhìn từ Ấn Độ

10-12-2014 - 15:27 PM |

Trong các báo cáo về thị trường vàng thế giới gần đây xuất hiện chủ đề mối liên quan giữa các xu hướng trên thị trường kim loại quý và dầu thô.

Theo giới phân tích, giữa hai thị trường này những năm qua có mối tương quan. Điều này càng được củng cố hơn nữa trong những tháng gần đây, sau những sự kiện tại Ấn Độ cho thấy giữa 2 loại hàng hóa này có mối quan hệ khăng khít một cách bất ngờ.

Hôm 28/11, Ấn Độ đột ngột thông báo bãi bỏ quy định buộc thương nhân tái xuất 20% lượng vàng nhập khẩu dưới dạng đồ trang sức, còn gọi là quy định 80-20. Động thái này được đưa ra nhằm giảm nạn buôn lậu vàng và tăng lượng vàng nhập khẩu chính ngạch của nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới này.

Trong năm 2013, cùng với mức thuế kỷ lục 10%, Ấn Độ đã áp dụng quy định 80:20 nhằm hạn chế nhập khẩu vàng và thu hẹp thâm hụt ngân sách lên cao kỷ lục.

Điều này gây bất ngờ bởi các nhà đầu tư vàng đã dự báo sẽ có những động thái thắt chặt hơn nữa, chứ không phải là nới lỏng, và mặc dù vẫn tiếp tục bị áp thuế quan 10% đối với vàng nhập khẩu, khả năng Ấn Độ nay sẽ tăng nhập khẩu vàng và sẽ giành lại vị trí nước nhập khẩu lớn nhất thế giới từ tay Trung Quốc.

Chính quyền của tân Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ đạo thực hiện việc nới lỏng này, và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ra thông báo mà không đưa ra bất cứ lý do gì.

Nhưng không khó để thấy ngay mối liên quan giữa động thái mới này với thị trường dầu thô, và với cả thị trường than đá.

Dầu thô là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ tính theo kim ngạch, tiếp đến là vàng. Hai mặt hàng này chiếm tới 42% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 10/2014.

Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu dầu giảm mạnh, chỉ còn 12,36 tỷ USD trong tháng 10, thấp hơn 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó thâm hụt tài khoản vãng lai giảm khoảng 2,6 tỷ USD, và đó mới là thống kê về nhập khẩu dầu trong một tháng.

Tiết kiệm từ dầu thừa sức để tăng nhập khẩu vàng

Giả sử giá dầu thô Brent vẫn duy trì ở mức khoảng 70 USD/thùng như hiện nay, Ấn Độ sẽ tiết kiệm được khoảng 52,7 tỷ USD từ nhập khẩu dầu trong năm 2015 so với 2013.

So sánh này dựa trên cơ sở giá dầu Brent trung bình năm 2013 là 108 USD/thùng và nhập khẩu trung bình ngày khoảng 3,8 triệu thùng, cho thấy quốc gia này đã có khoản lợi khổng lồ trong 10 tháng đầu năm nay.

Trái lại, kể cả nhập khẩu vàng hồi phục lên mức gần 1.000 tấn như năm 2013 (thực tế là nhập khẩu năm 2014 sẽ chỉ khoảng 850 tấn) thì chi phí phát sinh từ đó cũng chỉ gần bằng khoản tiết kiệm được từ nhập khẩu dầu nhờ giá dầu giảm.

Giá vàng giao ngay trung bình năm 2013 là 1.411 USD/ounce, có nghĩa là nhập khẩu 974 tấn năm đó mất khoảng 44 tỷ USD. Nếu giá vàng trung bình năm 2015 khoảng 1.200 USD/ounce thì chi phí nhập khẩu 1.000 tấn cũng sẽ chỉ mất 38,4 tỷ USD.

Như vậy có nghĩa là, với mức giá hiện tại, Ấn Độ có thể tăng cường nhập khẩu vàng lên mức cao kỷ lục mà vẫn không làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai.

Nhìn vào những con số này sẽ không khó để lý giải vì sao nhập khẩu vàng đột ngột trở nên vấn đề ít lo ngại về kinh tế hơn so với hai – ba năm trước, khi nhập khẩu vàng vào Ấn Độ gia tăng kể cả khi giá cao kỷ lục 1.900 USD/ounce hồi tháng 9/2011.

Trên thực tế, thâm hụt tài khoản vãng lai đã không còn là mối lo ngại lớn của chính quyền của ông Modi, bởi giá dầu, vàng và than đá đều giảm mạnh.

Ngay cả khi nhập khẩu than tăng cũng sẽ không làm gia tăng nhiều thâm hụt của quốc gia này, bởi dự báo giá sẽ giảm 10 đến 15 USD/tấn trong năm tới so với năm 2013.

Kể cả khi Ấn Độ tăng nhập khẩu than lên 210 triệu tấn trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2015 thì, theo hãng tư vấn OreTeam, chi phí cũng sẽ không nhiều hơn mấy so với việc nhập khẩu 168,4 triệu tấn trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2014.

Giá dầu thô giảm đã làm giảm chi phí nhập khẩu cho Ấn Độ, tạo cơ hội nới lỏng những hạn chế về nhập khẩu vàng.


Vân Chi

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên