Vì sao lĩnh vực khai thác vàng lại bị thiệt hại nặng?
Giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng từ đầu năm tới nay đã sụt giảm tới 50%.
Giá vàng giảm khoảng 25% trong cùng thời gian này, xuống khoảng
1.240 USD/ounce, trong khi cổ phiếu của các công ty khai thác vàng có “màn
trình diễn” tệ hơn nhiều so với các chỉ số chứng khoán trên thị trường và thậm
chí so với ngay cả vàng.
Giai đoạn đầu tư “buồn”
Trong báo cáo mới đây về kim loại và khai thác vàng, ngân hàng Deutsche Bank (Đức)
lưu ý rằng các công ty khai thác vàng thường xuyên “trình diễn” dưới khả năng của
mình và chỉ có bốn lần “trình diễn” tốt trong 12 năm vừa qua, khi kim loại quý
tăng vọt, từ mức thấp trong một thập niên lên mức cao 1.900 USD/ounce trong năm
2011. Đối với các công ty khai thác vàng, tất cả những năm hoàng kim đều từ
2006 trở về trước.
Giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng đã mang lại sự thất vọng vô cùng lớn
cho các nhà đầu tư đổ tiền vào đó những tưởng có thể dễ dàng kiếm lời to khi
giá vàng mạnh lên trong bối cảnh các đồng tiền thiếu ổn định khi chính phủ các
nước can thiệp vào các thị trường tài chính.
Từ chỗ là “mảnh đất hứa,” cổ phiếu của các công ty khai mỏ trở thành “mảnh đất
buồn” đối với các nhà đầu tư cá nhân và các tỷ phú, như nhà đầu tư George Soros
hay Thomas Kaplan, và giám đốc các quỹ đầu tư như John Paulson và Jeffrey
Vinik.
Trong bài viết "Cơn khát đầu tư vào vàng" đăng năm 2006, tạp chí
Forbes cảnh báo các nhà đầu tư nên để mắt tới những người thành lập các công ty
khai mỏ nhân lúc giá vàng tăng vọt. Người ta đã đặt dấu chấm hỏi đối với các
công ty đầu cơ như NovaGold với số vốn thị trường hơn 1 tỷ USD vào thời điểm đó
và các dự án lớn của công ty chẳng đi tới đâu trong bảy năm tính từ khi đó.
Một công ty khai mỏ lớn với số vốn huy động thị trường 1 tỷ USD vào thời điểm
trên cũng được nêu danh là công ty Crystallex International; cổ phiếu của các
công ty này hiện không còn niêm yết trên thị trường.
Công ty kim loại quý của Mark McEwen - người có bức hình chụp ngồi trên một núi
vàng thỏi đăng trên tạp chí Forbes và có số cổ phần cá nhân trong công ty này ước
tính trị giá 125 triệu USD vào năm 2006 - đã ngậm ngùi chứng kiến giá cổ phiếu
của công ty mình giảm tới 80% kể từ khi bài báo được xuất bản. Tất cả những
công ty được nhắc đến trong bài báo sau này đều có kết cục ảm đạm.
Xét tổng thể, các công ty khai thác vàng từ năm 2010 tới nay đã chi 45 tỷ USD
cho các dự án đầu tư và các vụ thâu tóm công ty, đồng thời đang lên kế hoạch
chi 15 tỷ USD nữa.
Mặc dù vậy, sản lượng vàng đã giảm từ 18 triệu ounce trong năm 2010 xuống 17,4
triệu ounce hiện nay. Deutsche Bank mới đây ra báo cáo có tựa đề “Sự kết thúc của
Công ty sản xuất vàng lớn?” trong đó đặt vấn đề rằng liệu mô hình các công ty sản
xuất vàng ở Bắc Mỹ có bị “phá vỡ về nền tảng.”
Vì sao các công ty khai thác vàng thất bại
?
Một trong những lý do chủ yếu khiến các công ty sản xuất vàng không được lợi
nhiều từ sự gia tăng của giá vàng như các nhà đầu tư kỳ vọng là sự ra đời của
quỹ giao dịch vàng khiến cho các nhà đầu tư dễ bị tổn thương trước biến động của
vàng hơn trước.
Khi giá vàng sụt giảm mạnh, các công ty khai thác vàng phải gánh nhiều khoản nợ
cũng như phải gồng mình để thực hiện các dự án khai thác vàng dài hơi vốn đang
gặp rắc rối vì chi phí khai thác tăng đáng kể.
Xu hướng giảm quy mô bắt đầu với việc tập đoàn khai mỏ Newcrest Mining
(Australia) hồi tháng trước tuyên bố sẽ giảm đầu tư tới 5,7 tỷ USD vào các mỏ
khai thác vàng. Barrick Gold - công ty sản xuất vàng lớn nhất thế giới - vừa
công bố giảm tới 5,5 tỷ USD đối với dự án khai thác vàng lớn Pascua-Lima ở dãy
núi Andes. Báo cáo của Credit Suisse nói rằng việc giảm quy mô đầu tư là chủ đề
lớn trong thế giới kim loại quý này.
Bài toán đối với hầu hết các công ty khai mỏ trở nên khá khó. Nhiều ngân hàng
Phố Wall hồi tháng Sáu vừa qua đã tiến hành phân tích các dự án khai thác vàng
dựa trên kịch bản giá vàng ở mức 1.300 USD/ounce.
Deutsche Bank (Đức) lưu ý rằng ngưỡng 1.300 USD/ounce đã hình thành vòng tròn
luẩn quẩn buộc các công ty phải tăng vốn (thông qua việc bán cổ phiếu) để san lấp
khoảng cách vốn đang nới rộng cho đến khi họ có thể điều chỉnh chi phí thích ứng
với mức giá vàng mới.
Nếu giá kim loại quý này vẫn kẹt ở ngưỡng 1.300 USD/ounce, những người đầu tư
vào các công ty sản xuất vàng sẽ lâm vào tình trạng khan tiền mặt.
Lấy ví dụ, Barrick có số dư tiền mặt 2,3 tỷ USD và nợ 15 tỷ USD vào cuối quý I
năm 2013. Theo ước tính gần đây của Deutsche Bank, mức sử dụng tiền mặt của
Barrick (quy ra vàng) lên tới 1.813 USD/ounce và của Goldcorp là 2.016
USD/ounce.
Các công ty sản xuất vàng có thể chọn cách giải quyết vấn đề của mình bằng cách
giảm chi phí, cắt giảm lãi cổ phần, bán tài sản, ngừng hoạt động của các mỏ có
chi phí cao hơn, tăng giá trị hiện tại ròng nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra
một số tổn thất.
Barrick vừa sa thải 30% số nhân viên văn phòng đang làm việc tại trụ sở chính,
đồng thời vừa hoãn kế hoạch sản xuất lần đầu tại mỏ này lại gần hai năm, tức là
tới giữa năm 2016. Giá cổ phiếu của Barrick đã giảm 56% từ đầu năm tới nay.
Một nghịch lý là trong khi cổ đông của các công ty khai mỏ chịu thua thiệt,
giám đốc điều hành các công ty này hầu như không hề hấn gì. Lấy ví dụ, cựu Giám
đốc điều hành Barrick, Aaron Regent, đã nhận được 12 triệu USD, chủ yếu từ khoản
tiền thanh lý hợp đồng.
Cú trượt dài của vàng
Hồi tháng 4, tỷ phú George Soros tuyên bố vai trò nơi trú ẩn an toàn của vàng
không còn hiệu lực và dòng tiền lớn đang chảy khỏi kim loại quý này. Tuy nhiên,
ngay cả nhà đầu tư giàu kinh nghiệm này khi đó cũng không thể ngờ rằng giá vàng
có thể trượt xuống dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay hiện giao dịch quanh mức 1.260 USD/ounce, ngày càng bỏ xa
ngưỡng 1.300 USD/ounce. Kim loại quý đã rời mốc này sau khi Chủ tịch Cục dự trữ
liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke ngày 19/6 tuyên bố có thể bắt đầu giảm quy mô
chương trình nới lỏng định lượng vào cuối năm nay.
Trước thời điểm đó, giá vàng đã chạm mức cao lên tới trên 1.900 USD/ounce hồi
năm 2011 và hồi tháng 10/2012 giao dịch ở mức 1.790 USD/ounce.
Giá vàng giảm mạnh cũng đồng nghĩa với việc cổ phiếu của các công ty khai mỏ sụt
giảm mạnh. Cụ thể, cổ phiếu của công ty Barrick đã giảm tới 6% trong phiên
20/6, khi giá vàng giảm trên 4% xuống 1.295 USD/ounce trước tuyên bố của Chủ tịch
Fed.
Mức giảm này đã đưa giá cổ phiếu của Barrick giảm tới 50% từ đầu năm tới thời
điểm đó. Chi phí khai thác vàng leo thang trong khi giá vàng thành phẩm tiếp tục
giảm có thể lý giải cho sự trượt dốc của giá cổ phiếu lĩnh vực khai thác vàng.
Cùng “trượt dốc” với cổ phiếu của công ty Barrick còn có cổ phiếu của các công
ty sản xuất vàng lớn khác như Kinross Gold và Goldcorp.
Cú trượt dài của giá vàng đã gây thiệt hại không nhỏ đối với cả những nhà đầu
tư sừng sỏ nhất thế giới. Quỹ đầu tư vàng của tỷ phú John Paulson cũng “chịu trận”
trong năm nay, trong khi lợi nhuận của công ty đầu tư khổng lồ Bridgewater
Associates của tỷ phú Ray Dalio cũng sụt giảm đáng kể./.
Theo Như Mai