Xu thế “Đông tiến” của các hầm vàng
Nhà băng số 1 của Thụy Sỹ UBS vừa cho biết đã lần đầu tiên vận hành một hầm chứa vàng ở châu Á.
Động thái này phản ánh nhu cầu vàng tiếp tục ở mức cao trong
khu vực, trái ngược với xu hướng bán tháo vàng của các nhà đầu tư Mỹ và châu
Âu.
UBS là một trong những ngân hàng có hoạt động giao dịch vàng giữ vai trò thiết lập giá vàng hàng ngày tại thị trường London.
Tờ Wall Street Journal đánh giá, ảnh hưởng của châu Á đối với thị trường vàng
quốc tế ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn
Độ “cạnh tranh” ngôi vị nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Số liệu của hãng tư vấn kim loại GFMS cho thấy, hai quốc gia này chiếm 61% nhu
cầu vàng thỏi vật chất trên toàn cầu trong năm 2012, cao gấp đôi so với mức
cách đây 1 thập kỷ.
Theo ông Peter Kok, Giám đốc thị trường của công ty quản lý tài sản UBS Wealth
Management tại Singapore và Malaysia, bất chấp những đợt giảm giá lịch sử gần
đây của vàng, giới đầu tư châu Á vẫn hào hứng mua vàng và muốn cất giữ tài sản
này ở một nơi gần nhà hơn.
“Chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu vàng không ngừng tăng của khách hàng châu Á và
nhu cầu đối với các dịch vụ cất giữ vàng ngay tại châu lục này”, ông Kok nói.
UBS là một trong những ngân hàng có hoạt động giao dịch vàng giữ vai trò thiết
lập giá vàng hàng ngày tại thị trường London. Những mức giá cố định mà các ngân
hàng này thiết lập được dùng để xác định giá vàng giao ngay trên thị trường quốc
tế, bao gồm giá cho các giao dịch bán vàng từ các công ty khai mỏ tới các công
ty tinh luyện vàng.
Hầm vàng của UBS tại châu Á đã mở cửa phục vụ khách hàng từ tháng 5 vừa qua và
có khả năng cất giữ 60 tấn vàng, trị giá khoảng 2,4 tỷ USD ở thời giá hiện tại.
Hầm vàng này được UBS thuê ở khu vực cất giữ vàng có mức độ an ninh cao
Freeport của Singapore, ông Kok cho biết.
Cũng theo ông Kok, Singapore sẽ là nơi duy nhất ngoài Thụy Sỹ mà UBS mở hầm
vàng.
Nhiều ngân hàng lớn khác trên thế giới cũng đã có động thái tương tự UBS. Tháng
trước, ngân hàng lớn nhất của Đức là Deutsche Bank tuyên bố đã mở một hầm vàng
quy mô 200 tấn ở khu Freeport. Năm 2010, ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase cũng mở một
hầm vàng ở Singapore.
“Ai cũng cho rằng thu nhập của người dân Trung Quốc và Ấn Độ sẽ còn tăng và lãi
suất thực ở các nước này sẽ còn ở mức âm hoặc thấp. Trong môi trường như vậy, vốn
sẽ tiếp tục được đổ vào vàng”, ông Ronald-Peter Stoferle, nhà đồng sáng lập
công ty quản lý tài sản Incrementum Liechtenstein, nhận xét.
Trong quý 2 vừa qua, giá vàng quốc tế đã giảm gần 1/4, mạnh nhất từ cuối thập
niên 1960, đầu thập niên 1970. Ông Kok cho rằng, bất chấp giá vàng giảm, các
khách hàng của UBS vẫn có cách nhìn nhận tích cực về giá vàng trong dài hạn, đồng
thời yên tâm khi nắm giữ tài sản này.
Xu hướng dịch chuyển của các hầm vàng về phía Đông là kết quả của những nỗ lực
mà Singapore thực hiện nhằm trở thành một trung tâm giao dịch vàng mới của toàn
cầu. Năm ngoái, nước này quyết định xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ đánh vào
vàng.
Đảo quốc sư tử cũng kỳ vọng sẽ tăng thị phần của mình trên thị trường giao dịch
vàng toàn cầu lên mức 10-15% trong vòng một thập kỷ, từ mức 2% trong năm 2012.
Để đạt được mục tiêu đó, Freeport - cơ sở cất giữ vàng có mức độ an ninh cao tại
Singapore - đã được mở vào năm 2010. Cơ sở này có chỗ để các công ty quản lý
tài sản thuê làm chỗ giữ vàng cho khách hàng.
Theo An Huy