Kim ngạch hơn 2 tỷ USD, Chính phủ sẽ xem xét thuế xuất khẩu vàng
Một số mặt hàng có thể sẽ bị tăng thuế xuất khẩu, do gộp chung một mức vì khó phân loại để tính thuế.
- 11-07-2021Vàng sẽ tăng giá mạnh trong tuần tới?
- 11-07-2021Goldman Sachs: Đà tăng của giá vàng năm nay mới chỉ bắt đầu, vàng sẽ tiến tới 2.000 USD
- 09-07-2021Giá vàng hôm nay 9-7: Bật tăng bất thành, nhà đầu tư tranh thủ chốt lời
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo tờ trình Dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Trong đó, một nội dung quan trọng là đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng.
Bộ Tài chính cho biết, thị trường vàng thế giới và trong nước đã biến động khá mạnh trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu do sự bất ổn của kinh tế thế giới, do các cuộc chiến tranh thương mại và đồng USD giảm khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác và đặc biệt do tình hình dịch bệnh đã tác động lớn đến tâm lý của người dân trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm năm 2019 là 2,1 tỷ USD (tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018) và năm 2020 là 2,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95% (năm 2020 khoảng 2,1 tỷ USD).
Năm 2020, có 469 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng vàng (gồm ngọc trai, đá quý, đá bán quý và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại).
KHÓ PHÂN LOẠI ĐỂ TÍNH THUẾ XUẤT KHẨU
Về chính sách thuế xuất khẩu, mặt hàng vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm, hoặc ở dạng bột có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 2%. (Khung thuế suất thuế xuất khẩu 0%-30%).
Mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận của đồ trang sức, bằng kim loại quý hoặc kim loại được dát phủ kim loại quý có mức thuế xuất khẩu là 0%, trừ mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận của đồ trang sức bằng vàng có hàm lượng vàng từ 95% trở lên có mức thuế xuất khẩu là 2%. Khung thuế xuất khẩu 0%-10%.
Mặt hàng đồ kỹ nghệ vàng hoặc bạc và các bộ phận của đồ kỹ nghệ vàng bạc, bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý có thuế xuất khẩu là 0%, trừ mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời đồ kỹ nghệ bằng vàng có hàm lượng vàng từ 95% trở lên thuế xuất khẩu là 2%. Khung thuế xuất khẩu 0%-10%.
Các sản phẩm khác bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý có thuế xuất khẩu là 0% trừ các sản phẩm khác bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng từ 95% trở lên thuế xuất khẩu là 2%. Khung thuế xuất khẩu 0%-10%.
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ, mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.15) chỉ được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Để quản lý mặt hàng vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định số 88/2019/ND-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo các quy định nêu trên, Nhà nước độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cần xin giấy phép của Ngân hàng nhà nước (Điều 13 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP).
Các công ty không được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu, chỉ được xuất khẩu vàng mỹ nghệ, vàng trang sức theo Giấy phép đăng ký kinh doanh (Vàng, trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng càng từ 8 kara trở lên, đã qua gia công chế tác để phục vụ nhu cầu trang trí, mỹ thuật).
Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, tại Nghị định không quy định cụ thể về các điều kiện hoặc tiêu chuẩn của vàng mỹ nghệ xuất khẩu nên việc xác định phân loại để tính thuế xuất khẩu mặt hàng này trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai báo mặt hàng xuất khẩu là vàng mỹ nghệ các loại, hàm lượng vàng dưới 95%, mã hàng 7114.19.00.90, thuế xuất khẩu là 0%.
HƯỚNG ĐẾN THỐNG NHẤT CHUNG MỘT MỨC THUẾ SUẤT
Trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, theo báo cáo của cơ quan Hải quan, tiêu chuẩn giữa các mặt hàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt nên việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra.
Các công ty thực hiện giám định chất lượng vàng trước khi xuất khẩu đều thể hiện hàm lượng vàng dưới 95%, các chứng từ giám định lại của đối tác nước ngoài đều dưới 95%.
Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ thống nhất chung một mức thuế suất đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay (tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%) và gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết, không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa Biểu thuế.
BizLive