Eli Lilly ngang cơ Viagra nhờ Internet
Muốn phát triển bộ phận nghiên cứu với chi phí tiết kiệm nhất, hãy học Eli Lilly. Các “sinh viên” từng tốt nghiệp gồm có Procter & Gamble và Dow Chemical.
Hai người viết, Daiel Burrus và John David Mann, là đồng tác giả cuốn “Viễn kiến trong chớp mắt: Làm thế nào để thấy được huyền cơ và làm điều không thể”
Tình huống:
Anh hùng thời nội chiến Hoa Kỳ, Đại tá Eli Lilly, thành lập công ty dược lấy tên mình năm 1876. Hiện nay Eli Lilly là một trong những công ty dược lớn nhất thế giới.
Đây là công ty đầu tiên sản xuất trên quy mô lớn các nguyên liệu chủ yếu trong ngành dược như insulin (năm 1923), penicillin (1943) và erythromycin (1952).
Công ty cũng đưa ra thị trường loại thuốc chống trầm cảm sử dụng hoạt chất fluoxetine nổi tiếng với thương hiệu Ponzac. Đây là một trong những loại thuốc bán chạy nhất trong lịch sử.
Cổ phiếu của một công ty dược thường gắn chặt với những lời đồn thổi về các loại thuốc mới đầy hứa hẹn.
Do đó, mô hình kinh doanh của Eli Lilly lấy nghiên cứu làm trung tâm và công ty thuê hàng ngàn tiến sỹ để nghiên cứu các phân tử thuốc rồi đưa ra các sản phẩm dược đột phá trên thị trường.
Thách thức:
Thử thách lớn xuất hiện với công ty khi một bằng sáng chế quan trọng sẽ hết hiệu lực vào tháng 08/2001 khiến công ty không còn nắm độc quyền sáng chế đối với Prozac, loại thuốc đang đóng góp tới một phần ba doanh thu hàng năm.
Trước đó, một vụ việc tương tự khiến công ty hiểu thử thách trên lớn đến đâu. Tháng 08/2000, một tòa án tại Mỹ giảm thời hạn bảo hộ một bằng sáng chế của công ty xuống gần 3 năm.
Giá cổ phiếu Eli Lilly giảm gần 1/3 khiến công ty mất 36 tỷ đôla vốn hóa thị trường chỉ trong có một ngày.
Thực tế, công ty đã tăng mạnh ngân sách nghiên cứu và phát triển thêm 30% nhằm tìm kiếm một chế phẩm cho doanh thu khổng lồ như thế.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ để thuê thêm 1.000 nghiên cứu viên có bằng tiến sỹ mà họ ước tính sẽ cần đến nếu muốn bù đắp lại được doanh thu mất đi ở phân khúc thuốc Prozac.
Giải pháp:
Năm 1998, hai nhân viên Eli Lilly có ý tưởng thành lập một diễn đàn giải quyết khó khăn trên internet với tên gọi “Bounty Chem”.
Năm 2001, Eli Lilly cấp vốn để khởi động diễn đàn này và thành lập một công ty độc lập với tên gọi InnoCentive.
Sau đó Eli Lilly nêu các vấn đề hóc búa về hóa học và phân tử lên diễn đàn InnoCentive và ngỏ lời sẽ trả tiền cho cách giải quyết.
Diễn đàn trên chào đón tất cả các khoa học gia có kết nối internet còn câu hỏi được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì thế công ty đã tạo ra một đội ngũ nghiên cứu và phát triển “ảo” trên toàn cầu có thể nhanh chóng tìm câu trả lời cho những vấn đề hóc búa mà bộ phận nghiên cứu nội bộ vấp phải.
Một trong những điểm hay của chiến lược này là Eli Lilly chỉ trả tiền cho những giải pháp có hiệu quả.
Họ trả bao nhiêu tùy vào việc vấn đề phức tạp đến đâu. Đã có những phần thưởng cao tới 100.000 đôla, nhưng phần lớn chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đôla.
Nhờ những đóng góp từ diễn đàn của InnoCentive, Eli Lilly đã chế tạo ra nhiều loại thuốc mới, trong đó có Cialis, đối thủ cạnh tranh của Viagra.
Giá cổ phiếu công ty dần hồi phục. Các công ty khác cũng học theo chiến lược này của Eli Lilly, trong đó có Procter & Gamble và Dow Chemical.
Bài học:
Thứ nhất, cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề thường là hoàn toàn bỏ qua nó. Trong trường hợp này, giải pháp tài trợ thêm cho bộ phận nghiên cứu nội bộ chính là chẳng cần thuê thêm ai cả.
Đây không phải giải pháp tạm thời, tránh né hay cố gắng kéo dài thời gian, thực tế đó chính là một cách hoàn toàn mới để đi tới kết quả nghiên cứu cuối cùng.
Theo lý luận thông thường thì vấn đề của Eli Lilly là thiếu vốn để tuyển thêm 1.000 nhân viên nghiên cứu có bằng tiến sỹ. Nhưng thiếu vốn không phải là vấn đề cốt lõi.
Tập trung vào việc tìm cách bù đắp ngân sách thiếu hụt sẽ che khuất mất thử thách thực sự, đó là nhu cầu giải quyết các vấn đề phân tử hóc búa để tổng hợp được các loại thuốc mới.
Thứ hai, tiến bộ công nghệ biến những điều không thể thành có thể.
Thông qua việc phát triển diễn đàn ý tưởng trực tuyến InnoCentive, Eli Lilly có thể tạo ra một “tờ-rớt trí thức” ảo mà lẽ ra với hoàn cảnh hiện tại của công ty, một “tờ-rớt” như thế là bất khả thi về mặt kinh tế và cực kỳ khó khăn về mặt hậu cần.