Kinh doanh gặp khó, cổ phiếu ngành xây dựng vẫn "hút tiền" nhờ đâu?
Trái ngược kết quả kinh doanh, cổ phiếu các doanh nghiệp vẫn ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây.
Loạt doanh nghiệp báo lãi ròng giảm mạnh
Khó khăn nhất chắc có lẽ phải kể đến CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) khi ghi nhận quý đầu tiên thua lỗ. Cụ thể, doanh thu quý 3/2021 của doanh nghiệp chỉ đạt 1.070 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm sâu khiến biên lãi gộp cũng thu hẹp mức 6% trong quý 3/2020 về còn 1,6%.
Điểm sáng của Coteccons đến từ doanh thu tài chính tăng 59% lên mức 77 tỷ đồng, song cũng không đủ bù đắp khoản hụt thu từ hoạt động kinh doanh. Kết quả, Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên "ông lớn" ngành xây dựng báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo Coteccons, doanh thu mảng xây dựng giảm mạnh hơn 61% do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở các thành phố lớn khiến nhiều công trình thi công phải tạm dừng. Chưa dừng lại ở đó, việc giá cả nguyên vật liệu xây dựng leo thang mạnh trong thời gian gần đây tạo áp lực lớn đến tình hình kinh doanh của Công ty.
Lãi ròng giảm đến 90% trong quý 3/2021, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã: VCG) cũng không nằm thoát khỏi cảnh ảm đạm. Tuy doanh thu thuần đi ngang ở mức 1.268 tỷ đồng, song việc giá vốn tăng 4% khiến lợi nhuận gộp Công ty giảm xuống 247 tỷ, biên lãi gộp giảm từ 22,5% xuống còn 19,5%.
Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 2.185 tỷ đồng xuống 109 tỷ đồng nhờ thực hiện đã thoái toàn bộ vốn tại công ty con đã khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm 90% về mức 109 tỷ đồng.
Đáng chú ý, áp lực từ việc tăng các khoản phải thu khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 1.154 tỷ đồng (cùng kỳ âm 225 tỷ đồng). Nhờ đi vay hơn 10.341 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ đã bù đắp cho thâm hụt từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hồi giữa tháng 8, Vinaconex "kêu cứu" với Thủ tướng gặp nhiều rủi ro khi lập giá dự thầu do không lường trước được các ảnh hưởng của dịch bệnh tới giá chào thầu. Bên cạnh việc chậm tiến độ thi công, các chi phí thực hiện dự án cũng tăng cao cũng tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của Công ty.
Tương tự như Vinaconex, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons cũng ghi nhận mức lãi giảm mạnh trong quý 3/2021. Dù doanh thu vẫn đi ngang so với cùng kỳ, đạt mức 1.947 tỷ đồng, song giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm còn 40 tỷ đồng, chưa bằng ½ mức lãi gộp cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm mạnh từ 4,8% xuống chỉ còn 2%.
Ricons báo lãi ròng xấp xỉ 6 tỷ đồng trong quý 3, giảm mạnh so với mức 54 tỷ đồngcùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế Công ty chỉ đạt 63 tỷ đồng, giảm 57%.
Một "ông lớn" khác trong ngành xây dựng là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cũng trong cảnh khó khăn khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19. Cụ thể, doanh thu giảm 21%, chỉ đạt 2.092 tỷ đồng, lợi gộp giảm 22% xuống còn 116 tỷ đồng kéo theo biên lợi gộp giảm còn 5,5%.
Hụt thu từ hoạt động kinh doanh, trong khi chi phí cũng không được tiết giảm đáng kể khiến HBC ghi nhận lãi ròng vỏn vẹn 5 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 so với mức lãi cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng, doanh thu HBC giảm nhẹ xuống 7.535 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 73 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Tuy doanh thu Tập đoàn Cienco4 (mã C4G) tăng 34% lên mức 460 tỷ đồng. Nhưng do giá vốn tăng mạnh hơn khiến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 16% xuống 14%. Doanh thu tài chính giảm mạnh nên dù tiết giảm các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn giảm 36% xuống gần 11 tỷ đồng.
Đầu tư công "giải vây" cho doanh nghiệp xây dựng
Bên cạnh những tác động từ dịch COVID-19, nhìn vào bức tranh tài chính có thể thấy việc giá vốn đồng loạt tăng cao đã tạo áp lực lớn lên dòng tiền của doanh nghiệp. Nguyên nhân đến từ đà tăng phi mã của giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép khi thép chiếm khoảng 20% chi phí đầu vào của các công trình.
Theo thông kê từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chỉ riêng tháng 10, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 19.000 đồng/kg thép tùy thương hiệu. Bên cạnh đó, giá xi măng cũng tăng mạnh, trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn. Một số vật liệu xây dựng khác là cát, sỏi cũng tăng tương tự.
Biến động giá thép thời gian gần đây
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ đang có những động thái để tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây được xem là lực đẩy cho sự phục hồi của ngành kinh tế nói chung và các doanh nghiệp xây dựng nói riêng. Bởi nhóm ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi gói thầu thi công được triển khai rộng hơn trong thời gian tới.
Chứng khoán Rồng Việt VDSC cũng đưa ra nhận định, các doanh nghiệp xây dựng trong thời gian dài hạn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ biện pháp đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ. Nếu các dự án quy mô lớn được triển khai thì đây sẽ là động lực giúp thúc đẩy ngành xây dựng trong những năm tới.
"Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn nhất của ngành xây dựng trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng", VDSC dự báo.
Đáng chú ý, trái ngược kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 3/2021, cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng đang có đà tăng giá ấn tượng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc đẩy mạnh đầu tư công là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của mã cổ phiếu này.
Biến động cổ phiếu C4G
Trong đó, tăng mạnh nhất là C4G từ 8.050 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7 lên mức 14.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 44%. HBC cũng tăng mạnh gần 40% từ thời điểm đầu tháng 8, đến nay giao dịch quanh mức 22.000 đồng/ cổ phiếu. Đây cũng là vùng giá đỉnh của cổ phiếu HBC trong vòng 3 năm qua. Bên cạnh đó, LCG cũng tăng lên mức 18.050 đồng/cổ phiếu, gấp đôi mức giá vào cuối tháng 7.
Biến động cổ phiếu HBC
Bên cạnh đà tăng của thị giá, thanh khoản những mã cổ phiếu này cũng bứt phá mạnh. Điển hình như khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của HBC đạt 12 triệu đơn vị, tăng gấp 6 lần so với thanh khoản trung bình hồi tháng 7. Tương tự, thanh khoản của C4G và LCG cũng tăng bằng lần so với vài tháng trước.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị