Kinh doanh gặp khó, Nhà Đà Nẵng (NDN) mang gần 500 tỷ đi đầu tư chứng khoán, "tạm lỗ" 43,5 tỷ
Với danh mục hơn 485 tỷ đồng tính đến 31/12/2021, Nhà Đà Nẵng đang tạm lỗ và phải trích lập dự phòng 43,5 tỷ đồng cho danh mục đầu tư chứng khoán của mình.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021.
Theo đó, doanh thu của doanh nghiệp đạt 72,3 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sụt giảm còn 25,8 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều được tiết giảm tối đa song lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt 21,3 tỷ, giảm 68% so với cùng kỳ.
Luỹ kế năm 2021, Nhà Đà Nẵng đạt doanh số 509 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm trước. Giá vốn doanh nghiệp đạt 312 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp còn 196 tỷ đồng, giảm tương ứng 41%. Trong năm Nhà Đà Nẵng có doanh thu tài chính 206 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay chỉ 6,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt mức 235 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm trước.
Tại ngày 31/12/2021, Nhà Đà Nẵng có tổng tài sản đạt 1.591 tỷ đồng, giảm gần 700 tỷ so với con số đầu kỳ. Nợ phải trả của doanh nghiệp chỉ 543 tỷ đồng, giảm 674 tỷ đồng so với đầu kỳ do khoản mua trả tiền trước ngắn hạn giảm còn 468 tỷ đồng so với mức 967 tỷ của năm ngoái. Công ty không vay nợ cả ngắn và dài hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp đến kỳ này đạt 304 tỷ đồng.
Theo giải trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp, sự sụt giảm lớn về doanh thu và lợi nhuận trong quý 4 giảm so với cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng căn hộ tại dự án Khu phức hợp Monarchy Block B, tuy nhiên kết quả kinh doanh vẫn đạt hơn 80% so với kế hoạch đặt ra.
Công ty giải trình lợi nhuận và doanh thu giảm so với năm trước
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh chính không có nhiều đột phá nhưng Nhà Đà Nẵng lại đang "đánh lớn" khi đầu tư lớn vào các cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tại thời điểm 31/12/2021, Nhà Đà Nẵng có danh mục chứng khoán đạt 485 tỷ đồng trong đó có 30,6 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng An Bình (ABB), 6,8 tỷ đầu tư vào Hoá chất Đức Giang (DGC), Eximbank (EIB) 24 tỷ, Tập đoàn FLC (3,08 tỷ), Than Núi Béo (1,6 tỷ), Đô thị Kinh Bắc (3,08 tỷ), Tpbank (3,9 tỷ), Novaland (5,6 tỷ), 4,1 tỷ vào Gỗ Trường Thành (TTF)…
Khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Nhà Đà Nẵng đó là cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với 217 tỷ đồng nhưng giá trị thị trường chỉ còn 177 tỷ đồng tại thời điểm lập báo cáo. Công ty còn đầu tư 97,3 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB của Techcombank nhưng giá trị thị trường còn 94,5 tỷ đồng.
Một khoản đầu tư khác đáng chú ý đó là 67 tỷ vào Vinhomes (VHM), 22 tỷ vào Vinamilk (VNM),
Giá gốc của khoản đầu tư chứng khoán của công ty đạt 485 tỷ đồng nhưng giá trị thị trường là 450 tỷ đồng, công ty đã phải trích lập dự phòng 43,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 586 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 1.222 tỷ đồng hồi đầu năm. Có thể Nhà Đà Nẵng đã rút một phần tiền gửi ra để đầu tư chứng khoán trong kỳ.
Danh mục đầu tư của Nhà Đà Nẵng
Chốt phiên giao dịch ngày 22/1, NDN có giá 16.100 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá doanh nghiệp 1.153 tỷ đồng. NDN lao dốc khá mạnh từ mốc gần 26.000 đồng sau khi bê bối lãnh đạo rơi vào lao lý.
Đầu tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Quang Trung, cựu Tổng Giám Đốc Nhà Đã Nẵng về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí".
Cụ thể, phía Nhà Đà Nẵng cho biết việc Cơ quan Công an TP. Đà Nẵng khởi tố ông Nguyễn Quang Trung liên quan đến các vấn đề từ trước năm 2010 (trước khi cổ phần hóa).
Ngay sau hôm ông Trung bị bắt tạm giam, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã thông qua việc miễn nhiệm ông Trung khỏi vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nhà Đà Nẵng từ ngày 7/12 lý do miễn nhiệm là do sức khoẻ. Đồng thời, HĐQT cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Minh Khoa - con trai của ông Trung vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 8/12/2021.
Nhịp sống kinh tế