Kinh doanh hàng giả trên chợ online: Có thể xử lý hình sự nếu phát hiện vi phạm
Nhiều đối tượng đã lợi dụng bán hàng online trên mạng xã hội để ngang nhiên kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra, xử lý.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của mảng này năm nay sẽ duy trì ở mức trên 30% và quy mô tại Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Với sự phát triển mạnh mẽ này, rõ ràng thương mại điện tử đang là phương thức mua sắm nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ cần ngồi ở nhà, trước máy vi tính hay điện thoại thông minh là có thể đặt hàng mua bất kỳ hàng hóa gì qua các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Sendo, Shopee... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có nguy cơ khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.
Dạo qua Facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều livestream bán hàng của các shop thời trang quần áo, túi xách, mỹ phẩm, sữa nhập ngoại… với những lời quảng cáo có đầy đủ tem, mác, full box… Dù sản phẩm được niêm yết giá lên đến tiền triệu nhưng chủ shop sẵn sàng sale "sốc", "tri ân khách hàng" với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng để "lấy tương tác"...
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Sàn thương mại điện tử Sendo hiện đang tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo.
Ảnh minh họa |
Đối với Lazada, sàn này cho biết, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả, kém chất lượng, sàn sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng. Trong khi đó, phía Shopee chỉ trả tiền cho người bán khi khách hàng hài lòng với sản phẩm. Người mua có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác; đồng thời, có cơ chế trao đổi thông tin nhanh với các cơ quan chức năng và các nhãn hàng.
Trong khi đó, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, điểm mấu chốt để ngăn chặn hàng giả, nhái, chống thất thu thuế là phải minh bạch được thông tin của sản phẩm, bao gồm như nhãn mác, xuất xứ, hóa đơn… Một trong những điều Nghị định 52/2013/NĐ-CP sắp tới phải sửa là phải quy định về nhãn hiệu, thông tin sản phẩm trong việc bán hàng thương mại điện tử. Đây là một trong phần trống mà ban soạn thảo sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, đặc điểm của thương mại điện tử là đa phần các giao dịch đều dưới dạng ẩn danh. Nếu các sàn thương mại điện tử buộc các bên phải cung cấp thông tin đầy đủ để xác thực danh tính một cách khắt khe thì sẽ khó phát triển nhanh trong khi vốn đầu tư lại rất nhiều.
Về phía người tiêu dùng, luật sư Phạm Quang Xá cho biết, trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên đặt ra một vài tiêu chí như: chọn mua tại các sàn thương mại có uy tín, so sánh, đối chiếu hàng hóa giữa các gian hàng, tìm kiếm thông tin về hàng hóa trên mạng internet để có cái nhìn tổng thể…
Liên quan đến hành lang pháp lý, các cơ quan chức năng, cán bộ thực thi công vụ đôi khi cũng chịu bó tay khi quy trình giám định buộc phải có hàng đối chứng và có đơn vị giám định. Việc có hàng trên môi trường online đã là rất khó khăn, lại thêm việc đối chứng với hàng thật.
Nhiều mặt hàng không có đơn vị giám định hoặc chi phí giám định quá lớn. Và để ra được toàn bộ kết quả giám định phải mất từ 1-3 tháng. Trong khi môi trường thương mại điện tử, chỉ cần thấy "động" là toàn bộ gian hàng, kho hàng, cả những người bán hàng lập tức biến mất không một dấu vết.
"Bởi vậy, để xử lý hiệu quả hành vi gian lận thương mại trên môi trường online, cần thiết phải có các công cụ online để quét, truy vết, khi xuất hiện hàng giả thì sẽ định danh ngay được nó ở khu vực nào. Để xây dựng công cụ này không khó nhưng cần có một nền tảng dữ liệu đồ sộ về hàng hóa. Chính cộng đồng DN, các nhà phân phối, làm ăn chân chính muốn được bảo vệ, sẽ phải cung cấp những thông tin này một cách đầy đủ, chính xác", luật sư Phạm Quang Xá nhấn mạnh.
Pháp luật và xã hội