Kinh doanh hometel: Tiềm năng và thách thức!
Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng hometel được đánh giá là một mô hình kinh doanh có khả năng sinh lời khi mua đi bán lại hay cho thuê nghỉ dưỡng... Do đó, đây sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng, hấp dẫn của thị trường địa ốc trong thời gian tới.
Hometel là gì?
Cùng với officetel (căn hộ kết hợp văn phòng làm việc), condotel (căn hộ nghỉ dưỡng ven biển kết hợp khách sạn), thời gian gần đây thị trường bất động sản trong nước đón nhận sự xuất hiện của hometel (nhà ở kết hợp khách sạn). Mới nghe qua, có vẻ hometel tương tự như condotel, bởi hometel cũng là một sản phẩm “lai” giữa home (nhà) và Hotel (khách sạn) gần giống với condo (căn hộ) và hotel (khách sạn). Tuy nhiên, sản phẩm hometel lại khác biệt ở nhiều điểm.
Hometel sở hữu đầy đủ các đặc tính cơ bản của một căn hộ cao cấp phục vụ cho nhu cầu cư trú, sinh hoạt lâu dài của chủ sở hữu. Hometel thừa hưởng tất cả các dịch vụ, tiện ích tiêu chuẩn khách sạn năm sao nên vừa đảm bảo cuộc sống tiện nghi cho chủ nhà vừa có thể khai thác cho thuê lại.
Người mua hometel được sở hữu lâu dài (có sổ đỏ), trong khi condotel xây dựng trên đất được cấp phép phát triển du lịch (thường gọi là đất du lịch) nên chỉ có thời hạn 50 năm. Một điểm khác nữa so với condotel, đó là người sở hữu hometel được toàn quyền quyết định phương án cho thuê, không phải chia lợi nhuận với chủ đầu tư.
Những khác biệt trên, cho thấy loại hình hometel đã khắc phục được tính sở hữu có thời hạn, tạo sự an tâm pháp lý cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, hometel cũng gặp phải vấn đề. Đó là nhà đầu tư phải tự khai thác, vận hành và quản lý việc cho thuê. Do đó, nhà đầu tư hometel phải có nhiều kỹ năng, kiến thức để vận hành và quản lý tài sản. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận của condotel hay officete, về cơ bản nhà đầu tư có thể hình dung trước được, còn với hometel - một mô hình mới - nên lợi nhuận gần như còn là “ẩn số”!
Khác với condotel phải chia lại lợi nhuận, lợi nhuận từ việc sở hữu hometel có thể do chủ sở hữu căn hộ thu toàn phần, không phải qua chủ đầu tư.
Cơ hội và thách thức
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, hometel cũng đối mặt với không ít rủi ro như khả năng vay vốn hạn chế, không dự báo được lãi suất, thu nhập thấp hơn kỳ vọng và dòng tiền bị gián đoạn khi thanh toán các khoản vay ngân hàng...
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho biết, năm 2017 Thông tư 06 chính thức có hiệu lực nên dòng vốn vào bất động sản bắt đầu bị siết lại, đặc biệt với phân khúc cao cấp. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến quy mô, điều kiện lẫn lãi suất tín dụng ngân hàng cho vay dành cho thị trường bất động sản cao cấp, trong đó có hometel. Bên cạnh đó, dù thời gian qua mặt bằng lãi suất tương đối ổn định nhưng không ai có thể dự báo được đường đi của lãi suất trong những năm tới. Vì thế, có thể nói rủi ro lãi suất là thứ rủi ro luôn đeo bám các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Đực, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản cao cấp tại Việt Nam, trong đó chứa đựng nhiều cơ hội tốt song cũng tiềm ẩn không ít thách thức, rủi ro. Do đó, nhận thức đúng, phân tích chính xác cơ hội và thách thức từ tín dụng ngân hàng dành cho thị trường hometel có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với mỗi nhà đầu tư đã, đang và dự định sẽ tham gia vào thị trường này.
Tương tự, giới đầu tư địa ốc nhận định, do hometel là loại hình sản phẩm khá mới mẻ nên bài toán lợi nhuận có lẽ cần thêm thời gian kiểm chứng. Tuy nhiên, mô hình này được đánh giá là sản phẩm đầu tư tiềm năng khi mang đến cho nhà đầu tư 3 cơ hội rất rõ ràng là đầu tư sinh lời, có thể cho thuê và nghỉ dưỡng nên hometel có khả năng là một kênh đầu tư tiềm năng và hấp dẫn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trần Ngọc Quang cho rằng, "khi đi tiên phong đón đầu một xu thế mới cũng có nghĩa chủ đầu tư đã chọn đương đầu với thử thách mới. Tuy nhiên, dựa vào những nghiên cứu kỹ và thực tế vận hành của các đơn vị này thì mô hình Hometel hứa hẹn đầy triển vọng”!
Người tiêu dùng