MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh ngân hàng năm 2017: Nhiều tín hiệu khả quan

27-01-2017 - 08:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong năm 2017, nhiều cơ hội kinh doanh sẽ đến với các ngân hàng tại Việt Nam hơn trong năm 2016. Các điều kiện ấy không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận hơn mà còn giúp cho ngân hàng hoạt động ngày càng an toàn hơn.

Tuy tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp tới hoạt động ngân hàng, trong năm 2016 Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế.

NHNN cũng đã duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Các chỉ tiêu tiền tệ tăng đúng định hướng NHNN đề ra từ đầu năm. Đến cuối năm 2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38% so với cuối năm 2015. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ổn định và cả năm đạt 1,87%, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kiểm soát lạm phát, CPI cả năm 4,74%, đạt mục tiêu dưới 5% của Quốc hội đề ra. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo và có dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.

Nhiều thành quả làm tiền đề tích cực cho ngành ngân hàng năm 2017

Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm 2016 thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

So với đầu năm 2016, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1,1-1,2%, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tại một số thời điểm tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý bởi biến động trên thị trường quốc tế như sự kiện Brexit, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) tăng lãi suất nhưng đã nhanh chóng ổn định trở lại. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống TCTD mua ròng lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Bước sang năm 2017 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với kinh nghiệm, bài học và quyết tâm của ngành Ngân hàng đã thể hiện trong thời gian vừa qua là cơ sở vững chắc để ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho trong năm 2017.

Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2017, đồng tiền ổn định và lạm phát trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ chất lượng tài sản, tính thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tăng lợi nhuận từ Luật riêng về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận cũng như cổ tức ngân hàng 5 năm trở lại đây rất thấp là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, đặc biệt là trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu cũ. Trong điều kiện nền kinh tế vận hành bình thường, mỗi năm Việt Nam vẫn có thêm khoảng 1- 1,2% nợ xấu, quy mô khoảng 60 - 70 nghìn tỷ đồng, Kể cả khi không có nợ xấu trước đây thì trong quá trình hoạt động của các TCTD bao giờ cũng hình thành nợ xấu. Và nếu cứ tiếp tục để dồn lại thì nguy cơ ách tắc nguồn lực đối với nền kinh tế sẽ ngày càng lớn lên.

Tuy nhiên, trong 5 năm, các ngân hàng cũng đã trích lập tương đối nhiều và trích lập đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là năm 2016 lợi nhuận chung của nhiều ngân hàng đã bật tăng trở lại. Theo số liệu trên báo cáo tài chính Quý 3 năm 2016 sau kiểm toán của hệ thống các TCTD, lợi nhuận đã tăng khoảng 10% so với cuối năm ngoái, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng dù đã phải trừ đi 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Đặc trưng năm 2016 là hệ thống các TCTD đã dùng VAMC ít hơn- vào khoảng 20%, còn lại 80% là tự các TCTD xử lý nợ xấu.

Qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thu hồi nợ đạt kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại. những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu do nhiều nguyên nhân. NHNN đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị có Nghị quyết chỉ đạo đến Viện kiểm sát các cấp, thi hành án các cấp có nhìn nhận và áp dụng pháp luật thống nhất đối với việc vận dụng và thực thi pháp luật ở các cấp khác nhau.

Vấn đề hiện nay rất vướng là để xử lý được tài sản bảo đảm thì phải sửa rất nhiều luật, song luật pháp cần có sự ổn định và tính dài hạn. Việt Nam không thể sửa một loạt luật để phục vụ cho việc xử lý nợ xấu. Nếu đặt giả thiết sau khi sửa luật để xử lý xong nợ xấu, lại hồi phục theo nội dung hiện hành, cũng là việc khó có thể chấp nhận. Đó là lý do tại sao các cơ quan quản lý nhà nước đang cân nhắc việc sửa đổi hệ thống pháp lý để hỗ trợ hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu nói riêng và tái cơ cấu nói chung.

Thời gian tới, cần thiết phải có luật riêng để hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Cụ thể, những vấn đề nào trong tái cơ cấu TCTD chưa có quy định, tiền lệ sẽ được luật hóa để ngân hàng có thẩm quyền và có công cụ thực hiện tiến trình tái cơ cấu nhanh hơn. Thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu vừa qua, tổng kết lại tất cả các vướng mắc thì hiện xử lý nợ xấu đang vướng từ 13-14 Bộ luật, Luật, ví dụ như: Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Cho nên, trong thời gian tới, việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt; đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua - bán và xử lý tài sản xấu là cực kỳ quan trọng. Từ đó, Luật riêng về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng vừa tăng cao lợi nhuận vừa đảm bảo hoạt động an toàn hệ thống theo chuẩn mực quốc tế.

Tăng vốn từ việc cho phép nới room nhà đầu tư ngoại

Thông tư 41/2016/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 8% tính từ ngày 1/1/2020 kể từ tỷ lệ 9% hiện nay được quy định trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Một trong các cách để các ngân hàng tuân theo tỷ lệ này trong Thông tư 41 thì ngân hàng phải chuẩn bị dần việc tăng vốn tự có ngay từ thời điểm này, tại vì khi áp dụng chuẩn mực mới khi tính chỉ số CAR thì nhiều ngân hàng Việt Nam sẽ có chỉ số này dưới 8%.

Hiện nay, tỷ lệ tham gia góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng nội địa chỉ được tối đa là 30%. Do đó, nếu trong thời gian tới nếu tỷ lệ này không được Chính phủ cho phép tăng lên thì vốn cấp 1 trong vốn tự có (là phần tử số để tính chỉ số CAR) sẽ rất khó để tăng lên.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg Television ngày 13/1 vừa qua, Thủ tướng cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các ngân hàng trong nước lên từ mức 30% trong năm nay.và mở rộng cánh cửa vào thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, hướng mở này tập trung hơn ở các ngân hàng yếu kém, như một giải pháp thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài vào thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.

Đây thực sự là một thông tin tốt lành cho các ngân hàng Việt Nam trong năm 2017 để có điều kiện tăng vốn và được hỗ trợ trong việc tái cơ cấu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, kể cả NHTM có vốn nhà nước và NHTM không có vốn nhà nước.

Tóm lại, trong năm 2017, nhiều cơ hội kinh doanh sẽ đến với các ngân hàng tại Việt Nam hơn trong năm 2016. Các điều kiện ấy không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho hệ thống mà còn giúp cho ngân hàng hoạt động ngày càng an toàn hơn và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Sự thuận lợi đó xuất phát từ các nền tảng của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng đã được tạo ra từ năm 2016, cũng như việc sẽ có một luật riêng về xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng và việc tăng vốn từ sự cho phép nới room của nhà đầu tư ngoại.

TS. LS Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên