Chợ Bưởi lại “đóng cửa”, đình chỉ hoạt động kinh doanh 7 ngày?
Thông tin rõ chẳng vui chút nào, nhất là thời điểm cận tết như thế này.
- 13-11-2012Người Hà Nội chê chợ
- 07-11-2012Vì sao tiểu thương chợ gốm Bát Tràng bãi thị?
Tìm đến chợ Bưởi ngày đầu năm 2013, thấy đằng sau cái sự khang trang, hoành tráng ở khu chợ ngã ba Bưởi, Hoàng Hoa Thám ấy là một không khí có phần nặng nề. Nhiều ki-ốt ở tầng 1, tầng 2 đóng cửa im ỉm. Thấp thoáng cả những tờ giấy trắng dán ở cửa ki-ốt, đọc nội dung phát choáng: “Quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh 7 ngày…”.
Nghỉ chợ đi “đâm đơn”
Trước cổng chợ, tôi hỏi một chị phụ nữ chừng 40 tuổi đang tất tả đi ra: “Hôm nay chợ nghỉ bán hàng à chị ơi?”. Chị vội vã trả lời: “Vẫn có hộ bán hàng đấy, nhưng phần lớn chúng tôi đóng cửa đi gửi đơn khiếu nại đây. Chợ đã vắng khách mà cứ hành xử áp đặt nhau thế này, khó lắm”.
Lại chuyện gì nữa đây?
Tiếp xúc với rất nhiều bà con kinh doanh, nghe diễn biến ở chợ Bưởi vài tháng nay thì thấy tình hình căng thẳng không phải là đùa. Căng thẳng đại loại như: Chủ ki-ốt đột ngột bị cắt điện với lý do đảm bảo an toàn. Nhưng hộ nào chịu đóng tiền “phí chợ” thì vẫn có điện.
Chúng tôi quan sát các quầy ở tầng 1, tầng 2 nhan nhản những tờ thông báo, nội dung “đình chỉ hoạt động kinh doanh 7 ngày do vi phạm nội quy tại chợ Bưởi lần thứ nhất”.
Nguyên nhân của những động thái này là từ phía Ban Quản lý (BQL) chợ, chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau bài viết. Nhưng rõ ràng, nó đang gây ra những hệ lụy chẳng mấy vui. Chị Hoàng Thị Thủy, chủ quầy quần áo xót xa: “Giống như nhiều khu chợ khác trên địa bàn thành phố được xây mới, khách đến chợ Bưởi mới bây giờ so với chợ Bưởi ngày xưa chỉ bằng 1/10 thôi chú ạ. Đấy chú xem, tầng 1, tầng 2 còn lác đác khách. Tầng 3 giờ được dành để phục vụ dịch vụ cưới hỏi rồi. Buôn bán ở đâu cũng vậy, khách vắng thì chúng tôi biết trông cậy, mưu sinh vào đâu”.
Trong bối cảnh ấy, BQL chợ lại có “chủ trương” mới (chủ trương này đã từng được đưa ra và từng… không có hiệu lực, không thể áp dụng hồi năm 2007) về phí chợ. “Trung tuần tháng 11, chúng tôi đã mang đơn lên thành phố để khiếu nại. Một tháng sau, chúng tôi lại lên thành phố và đại diện bộ phận tiếp dân hứa sẽ sớm có câu trả lời. Biết là mất công mất việc của cả mình lẫn cán bộ thành phố, nhưng thắc mắc còn chưa được trả lời sớm ngày nào, chúng tôi còn ấm ức ngày đó”, chị Bùi Thị Hằng, đại diện khối ki-ốt tâm sự.
Không đối thoại, sẽ còn nhiều “sóng”!
Bức xúc và động thái gửi đơn của nhiều hộ kinh doanh chợ Bưởi những ngày này bắt đầu từ thông báo của BQL chợ về việc đóng tiếp tiền thuê chỗ.
Khoảng đầu năm 2003, chợ Bưởi truyền thống bị “xóa xổ” để thay thế bằng chợ hiện đại, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2007. Thời điểm đó, theo quy chế góp vốn xây dựng chợ do UBND quận Tây Hồ ban hành, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ sẽ phải góp vốn vào xây dựng chợ nếu muốn có vị trí kinh doanh ổn định trong 5 năm, sau khi chợ hoàn thành. Số tiền huy động góp vốn sẽ thu làm 2 đợt và sẽ được trừ vào tiền phí thuê chỗ ngồi hằng tháng sau này.
“Thực hiện chủ trương này, tại đợt 1 đã có khoảng 300 hộ kinh doanh góp vốn được 6,8 tỉ đồng”, chị Thủy nhớ lại. Tuy nhiên, trong khi chợ chưa đi vào hoạt động, quyết toán chưa xong thì mô hình quản lý thay đổi, từ BQL sang công ty cổ phần, có tên Công ty Cổ phần chợ Bưởi (ra đời tháng 1/2007), với 4 thành viên là 2 doanh nghiệp và 2 cá nhân, có số vốn điều lệ 32 tỉ đồng. Điều đáng nói là, trong số hơn 300 đơn vị, cá nhân huy động vốn xây chợ Bưởi mới, không ai có tên trong danh sách 4 thành viên nêu trên.
Lá đơn của tiểu thương chợ Bưởi gửi cho Báo Năng lượng Mới
“Ngay cả việc thành lập công ty, chúng tôi cũng không được biết, được bàn. Họ lập công ty đúng vào lúc chúng tôi đang phải đôn đáo, xoay xỏa tìm chỗ kinh doanh tạm bợ, chờ ngày về chợ mới”, chị Đỗ Thanh Vân, kinh doanh bát đĩa ngao ngán cho biết.
Vài tháng sau khi về chợ mới, các hộ kinh doanh lại nhận được thông báo nộp tiền huy động vốn đợt 2 dưới hình thức mới “tiền thuê diện tích kinh doanh”. Bản thông báo này bị đại đa số các hộ kinh doanh phản đối. Theo Công ty Quản lý chợ thì bản chất vốn góp trước đây cũng chính là tiền thuê diện tích kinh doanh. Nhưng các tiểu thương lại quả quyết, đây là sự lập lờ, bởi khi đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần thì vốn góp xây chợ đã trở thành vốn, tài sản của công ty và đương nhiên những người góp vốn phải ở vị trí cổ đông, chứ không đơn thuần là người đi thuê quầy, sạp.
Vấn đề mà bà con tiểu thương chợ Bưởi đưa ra xoay quanh việc quyền lợi của họ đang bị xâm phạm. Trong lá đơn gửi đến Tòa soạn Báo Năng lượng Mới, chị Nguyễn Thị Nhung nêu rõ rằng, hiện tại, UBND quận Tây Hồ đã bàn giao số tiền góp vốn của bà con tiểu thương trước kia là 6,8 tỉ đồng cho Công ty Cổ phần chợ Bưởi là không minh bạch và hợp lý vì nó không tuân theo Mục 3 và 4, Điều 7, Chương 3 của Quyết định 142/2004/QĐUB của chính UBND TP Hà Nội ban hành.
Song song với việc đó, có hai cá nhân được là cổ đông của Công ty Cổ phần chợ Bưởi, trong khi đó bà con tiểu thương đã đóng góp, xây dựng, giữ gìn chợ từ đời ông cha đến nay đã hơn 100 năm, lại đã cùng Nhà nước đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng chợ thì lại không được tính là cổ đông.
Vấn đề khiến bà con tiểu thương rất bức xúc là, chợ Bưởi đã được xây dựng mới bằng các nguồn vốn từ: UBND quận Tây Hồ, 4 tổ chức doanh nghiệp, các cá nhân (là các hộ tham gia kinh doanh). Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đây là khu chợ đầu tiên chuyển đổi mô hình quản lý mới nhưng lại không thực hiện theo Mục 3 và 4, Điều 7, Chương 3 của Quyết định 142/2004/QĐUB.
Đồng quan điểm với các tiểu thương, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân chia sẻ: “Chợ Bưởi là chợ loại I, áp dụng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; nguồn vốn là ngân sách Nhà nước và vốn của các hộ kinh doanh đóng góp. Theo hình thức này thì quyền lợi của các hộ kinh doanh được pháp luật bảo hộ. Tức là họ được ổn định kinh doanh lâu dài, tiền thuê địa điểm kinh doanh được thực hiện theo quy định của UBND TP Hà Nội, tại Quyết định số 567/QĐUB ngày 22/1/2002, về việc “Ban hành tạm thời mức thu phí sử dụng diện tích chỗ ngồi kinh doanh và vé vào chợ thuộc quận, huyện quản lý” mà không phải thuê ki-ốt bán hàng theo cơ chế thị trường”.
Luật sư Triển còn bày tỏ quan điểm, các hộ kinh doanh đóng góp với Nhà nước để xây dựng chợ Bưởi, họ không đóng tiền với Công ty Cổ phần chợ Bưởi để xây dựng chợ Bưởi. Về phương diện pháp lý thì Công ty Cổ phần chợ Bưởi và 4 thành viên trong công ty là chủ thể bình đẳng với hộ kinh doanh tại chợ Bưởi.
“Vì sao chúng tôi góp vốn xây dựng chợ mà hơn 300 hộ kinh doanh lại không có ai được tham gia ban đại diện quản lý chợ? Cần điều kiện gì để được xem xét với tư cách cổ đông, để được trao đổi, tham gia ý kiến trước những chủ trương đối với hoạt động kinh doanh?”. Những băn khoăn ấy của nhiều tiểu thương chợ Bưởi đang rất cần câu trả lời từ cơ quan hữu trách, để tránh “sóng gió” không cần thiết trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Theo Minh Tiến
Petrotimes