Chuyện đằng sau 54.000 tỉ đồng
Ngành xổ số kiến thiết tại Việt Nam đã tạo việc làm cho hơn 300.000 người.
"Mua vé số không chú?”. lời rao hằng ngày của bà Hai, một phụ nữ 64 tuổi, đã trở nên quen thuộc với nhiều người trên một con đường náo nhiệt tại quận 1, Tp.HCM. Bà cho biết với số tiền bán được hằng ngày, bà phải chiết khấu lại cho đại lý với tỉ lệ 85%.
Bà Hai là một trong số hơn 300.000 người đang làm việc trong ngành xổ số Việt Nam, theo thống kê mới đây của Bộ Tài chính. Từ năm 2007-2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu và nộp ngân sách từ hoạt động xổ số đạt bình quân trên 15%/năm. Riêng năm 2012, doanh thu toàn ngành là gần 54.000 tỉ đồng. Trong đó, nộp ngân sách nhà nước 16.620 tỉ đồng, tương đương 30,7% doanh thu.
Về phía đại lý bán vé, tổng thu nhập họ được hưởng khoảng 12-13%, tức gần 6.500 tỉ đồng. Sau khi trừ 15% chiết khấu lại cho người bán vé số dạo, thu nhập còn lại của các đại lý sẽ vào khoảng 5.500 tỉ đồng, một con số không nhỏ.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên kinh tế Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và là một chuyên gia nghiên cứu về tài chính khu vực công, cho biết nguồn thu từ xổ số đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách của một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính bình quân giai đoạn 2008-2010, nguồn thu từ xổ số kiến thiết đã chiếm đến hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước của các địa phương này. Cá biệt như Hậu Giang lên đến gần 48%, Vĩnh Long hơn 46%.
Không thể phủ nhận hoạt động xổ số đã giúp các địa phương tạo ra một nguồn thu đáng kể cho ngân sách và từ đó tái sử dụng một phần vốn này để đầu tư vào các chương trình phúc lợi của địa phương mình. Một số tỉnh có trình độ phát triển kém hơn, với nguồn thu thuế và các nguồn thu khác bị hạn chế đã cố gắng gia tăng tỉ trọng nguồn thu từ xổ số. Điển hình là số thu tuyệt đối lẫn tương đối của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thậm chí còn lớn hơn so với các tỉnh có trình độ phát triển cao hơn như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy vậy, điều này có thể chỉ mới phản ánh mặt tích cực của hoạt động xổ số. “Việc nguồn thu từ xổ số chiếm một tỉ trọng quá lớn và quá quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách của địa phương cho thấy nhiều điều không ổn, cả về kinh tế, ngân sách lẫn xã hội”, ông Tuấn nói.
Việc một số tỉnh phụ thuộc vào nguồn thu xổ số có thể phản ánh một thực tế là các tỉnh này đang không có những hoạt động kinh tế quan trọng, thực sự mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, mà phải dựa vào một nguồn thu hết sức đơn giản như kinh doanh vé số.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, nguồn thu từ xổ số cũng khó mà tăng thêm vì giá vé số là cố định hoặc được điều chỉnh rất chậm, trong khi lượng tiêu thụ đã có xu hướng bão hòa. Do đó, việc cải thiện nguồn thu ngân sách trong tương lai không phải là chuyện đơn giản đối với các tỉnh này.
Một điều nữa là theo Nghị quyết 68/2006/NQ-QH11 của Quốc hội, tiền thu từ xổ số kiến thiết sẽ được dùng để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương, trong đó tập trung vào các công trình giáo dục, y tế.
Ông Tuấn cho biết mặc dù đã có quy định khi quyết toán ngân sách, địa phương phải có báo cáo riêng về thu, chi từ nguồn xổ số nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa công bố các báo cáo này. Vì thế, không thể biết rõ liệu nguồn thu từ xổ số có được dùng để đầu tư vào các công trình phúc lợi theo đúng tinh thần Nghị quyết hay không. Và nếu có rót vào thì liệu có rót đúng, rót đủ?
Nghị quyết cũng ghi rõ: “Không sử dụng số thu này vào các mục đích khác”. Nhưng thực tế cho thấy việc sử dụng không đúng mục đích đã xảy ra. Đơn cử là trường hợp Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai đang nắm khoảng 6,61% cổ phần của Ngân hàng Đại Á (theo dữ liệu của Cafef).
Trên khía cạnh xã hội, cũng có một số vấn đề đáng suy ngẫm. Một điều dễ nhận thấy, ngoài một bộ phận người mua vé số là người giàu, có một tỉ lệ không nhỏ là người nghèo, những người tham gia với ước mơ đổi đời.
Theo ông Tuấn, ước muốn đó quá mong manh và thậm chí còn khiến họ nghèo thêm, vì theo lý thuyết kinh tế, về mặt dài hạn và tính toán dựa trên số đông, người chơi rất khó có cơ hội chiến thắng. Người thắng cuộc vẫn là nhà cái, tức các công ty xổ số và đại lý vé số.
Việc kỳ vọng vào tấm vé số cũng phản ánh khả năng với tới các điều kiện vật chất tốt hơn của một bộ phận lớn người dân. Ở khía cạnh này, Việt Nam khá giống với Trung Quốc. “Với giá bất động sản quá cao, nhiều người, đặc biệt là người có thu nhập trung bình và thấp, cảm thấy rằng họ chẳng bao giờ có đủ tiền để mua nhà nếu chỉ làm công ăn lương. Vì thế, họ mua vé số với hy vọng đổi đời”, Giáo sư Cheng Haiping thuộc Học viện Quản lý Kinh tế Bắc Kinh, nhận xét.
Do đó, cần có những chương trình để nâng cao tác động của ngành xổ số đối với xã hội, cũng như minh bạch các khoản thu chi để khuyến khích người dân tham gia xổ số vì lợi ích chung. Về vấn đề này, các chương trình ở Mỹ rất đáng để học hỏi.
Ví dụ, bang Georgia đã phát động Chương trình Hy vọng của Công ty Xổ số Georgia và các chương trình tiền mẫu giáo, nhờ đó đã cấp được hơn 4,6 tỉ USD giá trị học bổng cho hơn 1,1 triệu đối tượng. Còn bang Massachusetts tung ra chiến dịch “Tất cả chúng ta đều thắng”, trong đó giải thích rõ số tiền thu được từ xổ số được sử dụng như thế nào"
Theo Ngọc Sơn