MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện về cô gái bỏ việc văn phòng theo đuổi đam mê kinh doanh rau sạch

13-08-2014 - 08:00 AM |

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường rau hữu cơ, cuối năm 2012, Phạm Kiều Thu cùng một người bạn có cùng chí hướng hùn vốn thành lập Công ty Mason Bees.

Rời bỏ công việc văn phòng, cô gái trẻ Phạm Kiều Thu dấn thân vào lĩnh vực tưởng nhẹ nhàng nhưng lại cực như chăm con mọn - mở chuỗi cửa hàng thực phẩm Freshshop. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của hành trình dài mà cô đang ấp ủ: đầu tư vào nông sản sạch và xây dựng một trung tâm cưu mang người khuyết tật.

Kiều Thu với những trái dâu trồng hữu cơ của một đối tác tại Đà Lạt

Vài năm nay, sản phẩm hữu cơ (organic) bắt đầu được chú ý và sử dụng nhiều. Nhìn thấy tiềm năng của thị trường này, cuối năm 2012, Phạm Kiều Thu cùng một người bạn có cùng chí hướng hùn vốn thành lập Công ty Mason Bees.

Cửa hàng Freshshop đầu tiên của Mason Bees đặt tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM và tất cả các loại rau củ, trái cây bán tại Freshshop đều là sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ViệtGAP, tự nhiên và hữu cơ. Vì là sản phẩm hữu cơ nên chi phí đầu tư rất lớn, đây cũng là lý do khiến giá bán các loại thực phẩm hữu cơ cao gấp đôi, gấp ba giá thực phẩm thông thường.

Giá bán cao là yếu tố bất lợi khiến khách hàng khó tiếp cận và chấp nhận, thế nhưng Kiều Thu vẫn kiên trì với đam mê và con đường mình đã chọn. "Không thể vì khó khăn mà thay đổi đam mê, vì thực phẩm hữu cơ thật sự có lợi cho sức khỏe", Thu chia sẻ.

Sau khi ổn định cửa hàng đầu tiên tại quận 7 và nhằm mở rộng nguồn khách hàng có thể tiếp cận thực phẩm hữu cơ, Kiều Thu liều lĩnh mở cửa hàng thứ hai tại Vũng Tàu.

"Freshshop sẽ không mở nhiều cửa hàng mà chỉ dừng lại ở 5 cái, vì mở nhiều quá mà không quản lý được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Phải đảm bảo chất lượng như cam kết mới có thể tồn tại lâu. Kinh doanh thì uy tín phải được đặt lên hàng đầu", Thu tâm sự.

Không đơn thuần kinh doanh, Mason Bees còn hướng đến việc đầu tư sản xuất. Hiện tại, để chủ động nguồn hàng và đảm bảo chất lượng sản phẩm, Kiều Thu hợp tác với các hộ nông dân, hỗ trợ và hướng dẫn họ kỹ thuật trồng, đồng thời hợp tác với các trang trại rau sạch của các đối tác đáng tin cậy tại Kon Tum, Đà Lạt, Đức Trọng...

Thu bảo: "Có những loại rau củ không dễ trồng tại Đà Lạt mùa này nên phải có những vùng đất khác nhau để canh tác. Mùa này trồng củ cải trắng ở Đà Lạt dễ bị "trắng tay" lắm. Những cơn mưa kéo dài từ tối cho đến sáng hôm sau, trưa lại nắng chói chang khiến củ cải trắng bị thối. Có khi củ không thối nhưng đắng nghét, thế nên trước khi đưa rau củ về cửa hàng, mình phải "nếm thử" trước".

Thu cho biết, trồng sản phẩm hữu cơ rất khó vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng... Tuy nhiên, Thu vẫn không nản lòng vì "Có làm thì mình mới dám đảm bảo chất lượng 100% với khách hàng. Nói như vậy không có nghĩa là thực phẩm lấy từ những trang trại khác và nhập từ nước ngoài về không đảm bảo. Nhưng dù sao, cái gì tự tay mình làm thì mình yên tâm hơn".

Không thể thuê đất canh tác mãi được, để ổn định nguồn rau củ cho cửa hàng và thực hiện ý định mở rộng sản phẩm "nông sản sạch", mới đây, Thu đã mua 3ha đất ở Đà Lạt và bắt đầu canh tác trên chính mảnh đất của mình. Thu cho biết, đến năm 2015, trang trại rau hữu cơ sạch sẽ hoàn thiện.

"Khi đó, Thu sẽ thực hiện mô hình du lịch sinh thái kết hợp giáo dục dành cho học sinh. Đa số trẻ em thành phố chỉ biết các con vật, các loại cây trái qua sách vở và những món chúng ăn hằng ngày mà không biết rằng để có những thứ đó, người nông dân phải vất vả như thế nào. Với mô hình này, những gia đình người thành phố có thể đến đây nghỉ ngơi và cho con trải nghiệm cuộc sống của người nông dân", Thu hồ hởi chia sẻ ý định của mình.

Khi mọi việc ổn định, Thu sẽ nhận những người khuyết tật vào làm việc và định cư ở đây. "Những người kém may mắn sẽ có công việc phù hợp với họ. Rồi họ sẽ lập gia đình, và con cái họ sẽ được học hành tử tế để trở thành những người có ích cho xã hội", Thu lạc quan nghĩ tới thành quả của công việc mình đang lên kế hoạch thực hiện.

Thật ra, dự định làm những điều có ích cho những người kém may mắn đã được Thu ấp ủ từ lâu. Trước khi mở Mason Bees, Kiều Thu từng nghĩ đến việc sẽ mua đất lập một trang trại theo mô hình vườn-ao-chuồng khép kín để nhận những người vô gia cư, khuyết tật vào làm và giúp họ "an cư lạc nghiệp".

Nhưng suy đi tính lại, Thu thấy muốn làm được mô hình này ít nhất phải có trong tay 10 tỷ đồng để đầu tư và duy trì trong 5 năm. Sau thời gian này, nguồn thu từ trang trại mới có thể đảm bảo được cuộc sống cho những người kém may mắn ấy. Số tiền đó vượt quá khả năng của cô, vậy nên ước mơ vẫn chỉ là mơ ước.

May mắn, vào năm 2012, ước mơ ấy bắt đầu có hy vọng khi cô gặp người bạn có cùng chí hướng về sản xuất nông sản sạch. Chỉ biết nhau qua các cuộc hội thảo nhưng Thu và bạn đã mạnh dạn hùn vốn thành lập Công ty Mason Bees.

Không chỉ chuyên sản xuất và kinh doanh rau củ, nông sản sạch, Mason Bees còn đăng ký hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, với mục đích "lấy ngắn nuôi dài". Bởi đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư dài hạn chứ không thể tính ngày một ngày hai.

Chưa có lãi từ kinh doanh rau sạch nên mọi chi phí của Mason Bees đều trông vào việc xây dựng. Dù vậy, Thu đặt mục tiêu: Trong vòng 10 năm nữa, Mason Bees sẽ có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận hữu cơ và mong ước nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển lên tầm mới - nông nghiệp xanh.

"Làm nông nghiệp sạch là điều cực kỳ quan trọng, vì giúp bảo vệ môi trường tự nhiên, giúp bảo vệ sức khỏe và mang lại cuộc sống lành mạnh cho con người", Thu khẳng định.


Theo Thanh Tâm

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên