MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch vụ cho thuê lại lao động: Trá hình là chính?

25-02-2013 - 08:45 AM |

Dịch vụ cho thuê lại lao động đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch vụ này bắt đầu xuất hiện từ năm 2001 và ngày càng có chiều hướng tăng mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng cho thuê lại lao động bất hợp pháp vẫn ngày càng bùng phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sự phát triển của thị trường lao động.

Hoạt động trá hình

Hiện nay, các doanh nghiệp thường có xu hướng thuê lại (thuê ngoài) lao động (đặc biệt là các dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, dọn dẹp…) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn nhân lực và hạn chế tình trạng lao động dôi dư. Với xu hướng đó, việc sử dụng dịch vụ cho thuê lao động đang ngày càng được ưa chuộng vì những tiện ích mà nó mang lại.

Sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp có thể “khoán” hẳn cho các công ty cung ứng dịch vụ trong việc tìm kiếm, tuyển dụng, đào tạo và thực hiện các trách nhiệm đối với lao động như: trả lương, thưởng, đóng bảo hiểm, thậm chí cả xử lý tai nạn lao động, đình công…

Việc thuê ngoài lao động giúp doanh nghiệp có thể tinh giản bộ máy nhân sự, giảm thiểu thời gian và chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo, quản lý lao động và nhất là đáp ứng các đơn hàng trong mùa cao điểm mà không phải tuyển dụng hoặc sa thải hàng loạt lao động và không phải lo đảm bảo đời sống cho lao động dôi dư khi khối lượng đơn hàng giảm. Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực này như công ty TNHH dịch vụ và thương mại Nam Triều, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bách Mỹ, Công ty NIC, Công ty ITM, Công ty An Phát...

Tuy vậy, trên thị trường lao động hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động không phép, hoạt động chui. Các doanh nghiệp này thường cho thuê lại lao động trá hình dưới các chiêu bài như: Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm, tư vấn nhân sự, hỗ trợ quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ quản lý kinh doanh… 

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Nippon Manufacturing Service Quốc tế Việt Nam (trụ sở tại TP.HCM), mặc dù chỉ có chức năng tư vấn quản lý nguồn nhân lực mà hoàn toàn không có ngành nghề cho thuê lại lao động hay phái cử lao động, nhưng công ty này vẫn đang cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, công ty này còn ngang nhiên quảng cáo trên báo chí Nhật Bản về việc cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam và tự nhận mình là một trong những “doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép thực hiện hoạt động phái cử lao động”!

Theo ý kiến của TS, luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty luật TNHH YouMe, việc quảng cao sai sự thật, kinh doanh dịch vụ không được phép nếu có, không chỉ vi phạm pháp luật về lao động, kinh doanh mà còn vi phạm pháp luật về quảng cáo. Đây cũng chỉ là một trong khá nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai hoạt động cho thuê lao động bất hợp pháp.

Người lao động chịu thiệt

Không thể phủ nhận rằng dịch vụ cho thuê lại lao động là một loại hình dịch vụ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho thị trường lao động, là biện pháp tối ưu để giải quyết tình trạng lao động dôi dư và là lời giải cho bài toán nhân sự cho nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động theo mùa vụ. Tuy nhiên, trong khi luật chưa có hiệu lực thì hoạt động cho thuê lao động không phép đang gây nhiều tác động xấu cho thị trường lao động.

Nhiều doanh nghiệp cố tình lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, nhất là lao động phổ thông, để tìm cách “trốn tránh” nghĩa vụ đối với người lao động như: không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động cho người lao động, cắt xén tiền lương, ăn chặn tiền thưởng và các lợi ích khác của người lao động.

Tình trạng người lao động không được nghỉ phép, không được đảm bảo các quyền lợi khác theo luật lao động là phổ biến. Thậm chí, khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cho thuê lại lao động sẵn sàng chuyển nhượng người lao động cho đơn vị khác để thu lời, hoặc thậm chí “vứt bỏ” người lao động ra đường mà không hề quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động!

Cũng theo ý kiến của TS, Luật sư Vũ Thái Hà, với những doanh nghiệp không có chức năng cho thuê lao động như Công ty Nippon Manufacturing Service Quốc tế Việt Nam, quyền lợi của người lao động càng bấp bênh hơn khi xảy ra tranh chấp bởi giao dịch giữa các bên thuê và cho thuê lại lao động có thể bị coi là vô hiệu do công ty này không có chức năng kinh doanh. Hơn nữa, trong những trường hợp tranh chấp như thế này, bản thân các cơ quan chức năng cũng không khỏi lúng túng khi khung pháp lý về hoạt động cho thuê lại lao động chưa rõ ràng và thiếu các chế tài xử lý.

Do đó, chính lúc này, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động bất hợp pháp và có những biện pháp thiết thực nhằm kiểm soát chặt hoạt động này trên thị trường lao động.

Theo Hải Dũng
Dân Việt

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên