MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng xuất khẩu 'chân quê' vào trời tây

29-07-2013 - 17:24 PM |

Gần suốt 10 năm qua, một công ty ở Khánh Hòa đều đặn xuất hàng trăm tấn hàng mang đậm “hương vị Việt” cho nhiều cửa hàng, siêu thị tại Canada, Mỹ.

Những mặt hàng rất dân dã như bánh bèo, bánh hỏi, cau tươi, bắp luộc, củ sả, ớt xiêm, khoai lang, củ mì hấp...

Ông Nguyễn Quốc Bảo Anh - giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phước Thọ - kể: “Ban đầu Hải quan Khánh Hòa đến kiểm tra container hàng xuất khẩu của tôi, khi nhìn các mặt hàng xuất khẩu quá dân dã ấy họ cứ cười mãi nhưng giờ đã quá quen rồi...”.

Hàng xuất khẩu “chân quê”

Về “đầu dây, mối nhợ” để DNTN Phước Thọ có đường làm hàng gia công, xuất khẩu là từ một Việt kiều có họ hàng với ông Bảo Anh đồng ý nhận phân phối các mặt hàng mang phong vị Việt trong bốn siêu thị của Việt kiều tại các tỉnh ở Canada. Qua đó, kể từ năm 2004 đến nay, DNTN Phước Thọ tháng nào cũng xuất đi Canada (đến Vancouver, Quebec...) hơn 20 tấn gồm 6-7 mặt hàng dân dã kể trên. Tiếp đến, từ năm 2009, những món hàng “chân quê” của Phước Thọ từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) lại tiếp tục có thêm đối tác mới đặt hàng để phân phối tại thành phố Seattle của bang Washington (Hoa Kỳ)...

"Hàng bán được là mình tạo thêm được việc làm cho bà con, anh em ở công ty, cũng như mở thêm kênh tiêu thụ các sản phẩm “nhà quê” cho bà con nông dân ở nhiều vùng miền trong cả nước..."

Ông Nguyễn Quốc Bảo Anh (giám đốc DNTN Phước Thọ)

Đến nay, ngoài hải sản, các mặt hàng xuất khẩu kể trên của DNTN Phước Thọ vẫn thuộc loại “không đụng hàng” ở Khánh Hòa. Trong mỗi container hàng hóa xuất khẩu đi Canada hằng tháng và đi Mỹ chừng vài tháng một chuyến, theo ông Bảo Anh, vẫn luôn có đủ thứ “hầm bà lằng” lên tới khoảng vài chục tấn. 

Theo chứng từ có xác nhận của Hải quan Khánh Hòa, trong gần 20 tấn hàng của DNTN Phước Thọ đã xuất khẩu tới Washington (Mỹ) vào tháng 4-2013 có trái cau tươi, bắp nếp luộc mỗi món lên tới gần 4 tấn, ớt xiêm tươi hơn 2 tấn. Tương tự, trong danh mục hàng hóa gần 22 tấn mới được chuyển vào cảng Sài Gòn ngày 26-7-2013 để xuất đi Canada thì đậu phộng luộc, khóm xắt đông lạnh, sả bằm và củ sả tươi đóng gói, chuối tươi, chuối luộc... cũng chiếm số lượng lớn.

Các nguồn nguyên liệu được DNTN Phước Thọ lựa chọn để chế biến, làm hàng xuất khẩu cũng rất phong phú, từ nhiều vùng, miền quê khác nhau của Việt Nam. Chẳng hạn, xuất xứ của những món bánh bèo, bánh hỏi xuất khẩu là từ làng nghề Diên An, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Nguồn mít ráo lấy múi đóng gói và lấy hạt để luộc xuất khẩu là từ vùng Long Khánh, Đồng Nai. Nơi cung cấp đậu phộng để chế biến mặt hàng đậu phộng luộc xuất khẩu là từ xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Còn nguồn bắp nếp để chế biến xuất khẩu hiện nay từ Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Các nguyên liệu sau khi mua về đều được kiểm tra chất lượng, chế biến, đóng gói đảm bảo theo quy chuẩn xuất khẩu và yêu cầu của các siêu thị, cửa hàng ở Mỹ, Canada. Trong đó, quy chuẩn nghiêm ngặt nhất là phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ được các hương vị đặc trưng “chân quê” của từng món hàng, từ cọng rau thơm đến quả chuối luộc, khoai lang luộc hay của từng chiếc bánh bèo, khay bánh hỏi...

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo Anh, việc chế biến, xuất khẩu các mặt hàng ấy đã gần tròn 10 năm, thế nhưng đến nay luôn được các cơ quan kiểm định về chất lượng thực phẩm của Canada, Hoa Kỳ chấp nhận cho nhập khẩu để phân phối trong các siêu thị, cửa hàng ở hai quốc gia này.

Mở rộng, lan xa

Cả ông Bảo Anh và một nhà phân phối hàng của DNTN Phước Thọ đều cho biết khách hàng tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu kể trên ở nước ngoài phần lớn là người Việt xa quê và nhiều người có nguồn gốc từ một số nước thuộc Đông Á. Khi mua những mặt hàng đã được sơ chế, họ chỉ việc đem hấp lại là có thể thưởng thức những món ăn mang đầy hương vị quê nhà... Còn những đầu mối nhập hàng, bán tại các nước thường là các cơ sở của bà con Việt kiều.

Về cách mở rộng đầu mối xuất khẩu các mặt hàng “chân quê” của mình, theo ông Bảo Anh, là theo kiểu “tiếng lành đồn xa” nhờ bà con đã mua hàng, sử dụng rồi thấy ngon, hợp khẩu vị... họ cứ mách cho nhau mà lan rộng. Có khi qua điện thoại, email, địa chỉ của doanh nghiệp được giới thiệu trên các bao bì, nhãn hàng. “Cứ hết món nào là các siêu thị, đầu mối phân phối ở Canada, Mỹ gọi về hoặc báo qua email là mình lo chuẩn bị, làm hàng đúng hẹn để xuất qua” - ông Bảo Anh nói.

Công nhân DNTN Phước Thọ đóng gói hàng chuẩn bị xuất khẩu đi Canada, Mỹ - Ảnh: Bảo Anh

Kể về chuyện làm mặt hàng mía tươi xuất khẩu đi Canada, Mỹ, ông Bảo Anh nói: “Cho tới giờ tui vẫn thấy vui lắm”. Đó là vào một lần ngồi uống ly nước mía, ông thấy quá rẻ, quá ngon và trong đầu nảy ra ý nghĩ “có cách nào xuất được nước mía cho bà con người Việt ở nước ngoài cũng được uống”. Vậy là ông bắt đầu đi xem, tìm cách...

Vào TP.HCM, thấy các mẫu máy xay nước mía sạch nhỏ gọn, ông đã giới thiệu cho một người bạn Việt kiều cùng tìm cách phân phối nước mía ép ở nước ngoài. Hai chiếc máy ép nước mía đầu tiên đã được ông đặt đóng, xuất khẩu đi Canada cùng hai thùng mía cây chừng nửa tấn đã được róc vỏ, làm sạch. Chỉ vài tháng sau ông lại nhận được điện thoại ở nước ngoài gọi về yêu cầu xuất thêm sáu chiếc máy cùng 50 thùng mía cây nữa. Tiếp đến, máy ép nước mía và mía cây tươi lại được đặt hàng xuất khẩu sang Mỹ...

Từ đó DNTN Phước Thọ có thêm một mặt hàng xuất khẩu nữa là mía cây tươi làm sạch được đều đặn xuất đi...

Theo Phan Sông Ngân

thuyntt

Tuổi trẻ

Trở lên trên