Nhà đầu tư Kỳ Đồng Square “bốc hơi”, tiểu thương khốn đốn
- 21-03-201450 tỷ đồng ra tro, tiểu thương chợ Phố Hiến bật khóc
- 11-03-2014Cháy chợ Sông Cầu, tiểu thương chạy tán loạn
- 07-03-2014Gần 600 tiểu thương chợ Vinh đồng loạt đóng cửa hàng
Tiểu thương bị chèn ép
Khu mua sắm Kỳ Đồng Square do Công ty cổ phần bất động sản Á Châu Duy Tân (ACDT) làm chủ đầu tư, gồm hai tầng, tổng diện tích sử dụng gần 700m2. Tháng 12/2012, khu mua sắm này đi vào hoạt động với 50 gian hàng buôn bán các mặt hàng thời trang. Chỉ vài tháng sau, do buôn bán quá ế ẩm, nhiều tiểu thương lần lượt bỏ sạp cùng với số tiền thuê bốn năm trên dưới 100 triệu đồng đã đóng cho ACDT.
Đến tháng 2/2014, chỉ còn 16 sạp “thoi thóp” hoạt động. Tuy nhiên, “chúng tôi không thể chịu đựng được nữa vì nhà đầu tư không những không hỗ trợ mà còn chèn ép tiểu thương”, chị Nguyễn Vương Thúy Vy, chủ sạp S1-11 bức xúc.
Tiểu thương Lê Thị Huệ, chủ sạp 16 trình bày trong đơn gửi Báo Phụ Nữ: “Là một khu mua sắm thì phải liên tục mở cửa để giữ khách nhưng ACDT lại đóng mở cửa rất tùy tiện”. Theo các tiểu thương, sáng 27/2, khi vào mở sạp bán, họ bất ngờ vì cả trung tâm tối thui. Họ yêu cầu mở điện để buôn bán thì ban quản lý (BQL) viện lý do một số tiểu thương nợ tiền thuê tháng 2/2014 nên cắt điện. Chiều cùng ngày tiểu thương mới chính thức nhận được thông báo từ BQL về việc tạm ngưng kinh doanh. ACDT tiếp tục cho đóng cửa KMS đến hết ngày 22/3/2014 mà không có một thông báo nào về thời gian đóng, mở cửa.
Chị Võ Thị Thanh Tuyền, sạp S1 rầu rĩ: “Bao nhiêu vốn liếng bỏ ra để thuê chỗ, mua hàng hóa giờ “đóng băng”. Chưa kể, do không hoạt động, không được vệ sinh nên chuột bọ hoành hành, cắn xé hàng hóa trong KMS.
Khu mua sắm Kỳ Đồng Square tuy nằm ở mặt tiền nhưng lại khá khuất. Ở mặt trước, ngoài biển hiệu, khu mua sắm không có bất kỳ sự trang trí bắt mắt nào nên người đi đường rất khó thấy. Không chỉ vậy, bên trong, ngay sảnh vào lại có một bức vách chắn ngang, che toàn bộ các sạp hàng ở dãy giữa nên khách không thể nhìn thấy quầy hàng cũng như hàng hóa trưng bày.
Mọi liên lạc của tiểu thương với ACDT chỉ thông qua một người tên Đào Thị Thúy Vân, Trưởng BQL của trung tâm nhưng cô này lại không có quyền quyết định gì. Mọi việc đều phải đợi lấy ý kiến của hội đồng quản trị (HĐQT) công ty, sau đó truyền đạt lại. Nhiều cuộc họp giữa đại diện HĐQT ACDT với tiểu thương về những vấn đề quanh việc ACDT đóng cửa khu mua sắm cũng chỉ được thông báo qua tin nhắn điện thoại. Gần nhất là cuộc họp với những tiểu thương đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ACDT vào ngày 22/3/2014.
Theo các tiểu thương, tại buổi họp này, tiểu thương yêu cầu được giải thích vì sao đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhưng công ty vẫn đóng cửa khu mua sắm, gây thiệt hại cho tiểu thương, bà Nguyễn Thị Kim Thảo, tự nhận là đại diện cho HĐQT của ACDT trả lời “ACDT sẽ trừ tiền thuê những ngày đóng cửa cho tiểu thương”. Vậy còn những thiệt hại về hàng hóa, thất thu do không buôn bán được, mất khách hàng khi KMS bị đóng cửa thì sao? “Công ty không bồi thường được, thích thì cứ kiện ra tòa”, bà Thảo nói.
Sau buổi họp này, ngày 23/3/2014, ACDT cho mở cửa KMS trở lại. “Tuy nhiên, chỉ có một người làm vệ sinh, một người mở điện nước, không có ai giữ xe, khách hàng đến phải tự trông xe”, tiểu thương Võ Thị Thanh Tuyền cho biết.
Anh Tuấn (phải) chủ sạp số 27: "Cả tháng nay không hề có hoạt động mua bán ở sạp này, giờ tôi
phải thanh lý một số tủ chưng bày..." - Ảnh: Phùng Huy - chụp lúc 15g30 ngày 27/3/2014
Nhiều dấu hiệu khuất tất
Đầu tháng 12/2012, ACDT rao cho thuê 68 sạp ở số 5 Kỳ Đồng, P.9, Q.3, TP.HCM trên một trang có tên Mạng sàn trực tuyến Việt Nam (MSTTVN). Giá thuê cho bốn năm từ trên 77 triệu đến gần 120 triệu đồng/sạp, tùy diện tích; ngoài ra mỗi tháng mỗi sạp sẽ đóng thêm từ khoảng trên năm triệu đến hơn mười triệu đồng cho các loại phí quản lý, bảo vệ, điện, nước, giữ xe…
Có 50 tiểu thương đã đặt cọc thuê sạp ở đây. Đến thời điểm ký hợp đồng, ACDT lại chia số tiền thuê bốn năm ra làm hai theo tỷ lệ 7-3. Bảy phần được gọi là phí quyền sử dụng sạp trong bốn năm, được thể hiện trong hợp đồng thuê quyền sử dụng sạp chính thức giữa ACDT và tiểu thương. “Phần tiền còn lại, ACDT yêu cầu tiểu thương phải ký với công ty MSTTVN với tên gọi là hợp đồng (HĐ) tư vấn đầu tư, dù không có bất kỳ hoạt động tư vấn nào giữa công ty này với tiểu thương (!?). HĐ hết hạn ngay tại thời điểm đó (ngày 8/12/2012). Lúc đó biết là vô lý, nhưng vì đã đóng tiền cọc và ACDT trấn an rằng “chỉ để dễ hạch toán” nên chúng tôi đành phải ký”, tiểu thương Nguyễn Hoàng Hùng, sạp số 7, kể.
Đáng nói là gần chục tỷ đồng gồm tiền thuê quyền sử dụng bốn năm, tiền phải trả cho công ty MSTTVN, tiền thuê hàng tháng mà tiểu thương đã đóng cho ACDT từ thời điểm tháng 12/2012 đến hết ngày 24/3/2014 chỉ được thể hiện trên một loại chứng từ là phiếu thu. Không có bất kỳ hóa đơn tài chính nào được xuất ra.
Đến ngày 11/3/2014, khi tiểu thương yêu cầu được xuất hóa đơn tài chính, bà Đào Thị Thúy Vân yêu cầu tiểu thương phải viết đơn gửi công ty ACDT (!?). Việc xuất hóa đơn tài chính cho bên mua là trách nhiệm đương nhiên của bên bán, tại sao lại phải làm đơn? Mặt khác, theo các tiểu thương, nếu có làm đơn họ cũng không biết gửi đi đâu, cho ai vì công ty đã “bốc hơi”, không còn hiện diện tại địa chỉ ghi trên HĐ.
Sau nhiều cuộc họp, khi tiểu thương liên tục đồng loạt yêu cầu được xuất hóa đơn thì đến ngày 25/3, ACDT mới đưa cho tiểu thương tất cả những hóa đơn tài chính của hầu hết các khoản thu, không có hóa đơn của số tiền tiểu thương đã đóng cho Công ty MSTTVN. Vô lý hơn, có tiểu thương thuê sạp từ tháng 5/2013 mà có cả hóa đơn từ tháng Tư; hay trong cùng một tháng lại xuất hóa đơn cho tiền thuê của nhiều tháng khác nhau.
Theo địa chỉ ghi trên HĐ, người viết bài tìm đến địa chỉ 4-6 Hồ Huấn Nghiệp, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM để ghi nhận ý kiến từ người có thẩm quyền của ACDT nhưng tại đây không hề có công ty này. Gọi số điện thoại của ACDT ghi trên HĐ thì nhận được thông báo từ tổng đài là “số điện thoại hiện đang tạm ngưng phục vụ”(?)
Theo Gia Nghĩa