'Phù thủy' hoa Đà Lạt suýt 'tan cửa nát nhà' vì giấc mơ biến hoa thành bất tử
Lão nông Nguyễn Công Hóa (60 tuổi, ở làng hoa Vạn Thành, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tìm được cách khiến cho những bông hoa tươi thành “bất tử” với màu sắc như ý muốn.
- 26-04-2012[Video] Chăm sóc hoa bằng phần mềm: Chuyện có thật ở Đà Lạt
- 12-12-2011Làng trồng hoa ở Đà Lạt xây biệt thự, sắm ôtô đi làm vườn
Nhờ khả năng này mà ông Hóa được nhiều người gọi là “phù thủy” hoa. Những bông hoa được ông ướp tươi, đổi màu khiến chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự sinh động, mềm mại và tươi nguyên như hoa ở ngoài vườn.
Đam mê
Đó là kết quả của 5 năm trời ông Hóa mày mò nghiên cứu, thậm chí suýt “tan cửa nát nhà”. “Nếu không đam mê thì không thể nào làm được”, ông Hóa nói. Hơn 35 năm trước, ông Hóa từ Bình Định vào sinh sống ở Đà Lạt với nghề trồng rau và sau đó gắn bó với hoa hồng. Năm 2000, có người bạn ông ở Pháp về ghé thăm và kể với ông chuyện ở Pháp, người ta có thể làm cho hoa hồng tươi suốt 4 - 5 năm không hư hỏng, bán với giá 7 USD/bông.
Nghe vậy ông Hóa nghĩ ngay đến số phận hẩm hiu của những nông dân trồng hoa như mình, bởi dù tốn rất nhiều công sức, kỹ thuật để trồng và chăm sóc nhưng hoa hồng chỉ bán được với giá vài trăm đồng/bông, thậm chí có lúc không thu được đồng nào. Thế là ông nhờ người bạn khi về Pháp mua gửi bông để xem thế nào.
“Một tháng sau, bông hoa ấy được gửi từ Pháp về, đúng là hoa thật. Vì sao lại tươi lâu như thế, nhất định là họ nhuộm hay ướp rồi sấy gì đây. Chuyện này ám ảnh khiến nhiều đêm tôi suy nghĩ mãi và quyết định làm thử”, ông Hóa kể. Thế là, ông lục tung các trang mạng tìm hiểu nhưng không thấy ở đâu nói đến kỹ thuật này. Đánh liều, ông khăn gói đi TP.HCM tìm mua đủ loại thuốc nhuộm mang về, rồi sẵn hoa hồng ngoài vườn ông cắt vào “nhúng tới, nhúng lui”, nhúng cả năm trời vẫn không có kết quả gì.
Không chịu bỏ cuộc, ông lại tìm hiểu và rồi nhờ một người quen đang đi học bên Nhật Bản hỏi thăm về loại hoa này để biết họ nhuộm bằng thuốc gì. Người quen này đã tìm được “tung tích” và mua giúp ông 5 loại thuốc nhuộm hoa. Có thuốc nhưng không biết cách nhuộm hoa, chỉ ít hôm thì ông hết thuốc nhưng cũng có kết quả bước đầu là hoa lâu hư hơn.
Tiếp tục chi ra 50 triệu đồng, ông nhờ mua thêm 7 loại thuốc mang về nhuộm. Lần này hoa để được 1 tháng vẫn không hư nhưng màu sắc không đẹp. Nghĩ có thể do thiếu máy móc, ông vét hết mấy trăm triệu đồng còn lại để mua máy sấy, máy hút chân về thử nghiệm. Hết tiền, vợ phản đối, nợ chồng lên nợ, ông vẫn âm thầm đi mượn bạn 50 triệu đồng gửi mua thuốc về làm tiếp. Hết thất bại này đến thất bại khác, cuối cùng ông đã tìm ra công thức. Cuối năm 2005, ông đã cho ra lò 200 bông hồng sấy để lâu được 8 tháng.
Biến đổi màu hoa
Có kết quả khả quan, ông Hóa liền mang hết giấy tờ nhà cửa đi vay mượn tiền về đầu tư nhà xưởng (200 m2), mua sắm thiết bị hết hơn 700 triệu đồng. Tháng 6.2006, ông bán lô hàng hoa hồng sấy khô đầu tiên (3.000 bông) cho một khách hàng người Nhật với giá 16.000 đồng/bông. Được đối tác cho mượn vốn, ông đầu tư thêm vào nhà xưởng và tiếp tục thành công.
Khoảng 1 năm sau, ông Hóa nhận thấy hoa sấy khô phải qua các khâu tẩy, nhuộm, sấy nên phá vỡ cấu trúc, tế bào của hoa khiến hoa mau hư hơn vì khô cứng, dễ bị vỡ. Ông lại mày mò nghiên cứu và bỏ công đi học nghề nhuộm hết 6 tháng trời để biết công thức pha màu. Cuối cùng ông tìm ra quy trình ướp tươi giúp hoa được mềm mại hơn.
Không chỉ hoa hồng, ông còn tìm ra quy trình ướp tươi cho nhiều loại hoa khác như cẩm chướng, bibi, cẩm tú cầu, salem, cúc, đồng tiền…Hoa có thể được xử lý với hàng chục màu khác nhau, ông có thể làm cả hoa hồng đen. Sản phẩm hoa tươi ướp của ông Hóa đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, xuất sang cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Singapore… Hiện tùy theo loại và kích cỡ, mỗi hoa tươi ướp được ông Hóa bán với giá từ 5.500 - 300.000 đồng/bông.
Bằng hoa tươi ướp, ông Hóa còn sáng tạo ra cả ngàn bức tranh hoa lớn nhỏ, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 20 triệu đồng/bức. Dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2010, hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Hóa cùng với 3 họa sĩ, nghệ nhân khác đã mất hơn 3 tháng trời để cho ra đời một bức tranh hoa tươi ướp lớn kỷ lục với kích thước 2,4 m x 1,75 m, gồm 1.000 đóa hồng tươi ướp, kinh phí làm bức tranh đến 100 triệu đồng.
Cuối năm 2011, ông Nguyễn Công Hóa còn có một đột phá khác khi nghiên cứu thành công kỹ thuật đột biến sắc tố hoa hồng, tác động làm biến đổi màu hoa ngay cả khi hoa đang trồng trong vườn với quy trình chỉ trong 4 ngày. Khách hàng chỉ cần vào vườn chọn những cành hoa ưng ý rồi cho biết màu ưa thích, 4 ngày sau ông sẽ cung cấp hoa đúng yêu cầu. Không chỉ vậy, ông Hóa cũng đã nghiên cứu ướp tươi thành công một bông hoa có 2, 3 màu sắc khác nhau và hiện đang nghiên cứu quy trình ướp tươi hoa nhưng không can thiệp màu mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của hoa.
Theo Gia Bình