MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh hoàng hình ảnh lòng lợn đổ đống ra sàn: 2 dấu hiệu cảnh báo lòng lợn bẩn, chớ có ăn

22-03-2024 - 20:30 PM | Thị trường

Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, món ăn này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, do vậy cần hạn chế tiêu thụ.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nội tạng động vật được đổ đống xuống từ những xe container lớn, nằm la liệt trên sàn nhà. Những hình ảnh này làm dấy lên lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những món nầm, lòng, nội tạng động vật... được bán ở khắp nơi.

Liên quan tới những hình ảnh này, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với chuyên gia để tìm hiểu đâu là cách phân biệt nội tạng sạch và bẩn.

Kinh hoàng hình ảnh lòng lợn đổ đống ra sàn: 2 dấu hiệu cảnh báo lòng lợn bẩn, chớ có ăn- Ảnh 1.

Hình ảnh nội tạng động vật được chia sẻ trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình)

Lòng lợn - thực phẩm cần được bảo quản kỹ càng

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết nội tạng hay thịt cá cần phải bảo quản đúng cách để đảm bảo an toàn, tươi ngon. Với những loại nội tạng được vận chuyển từ nơi xa bằng container sẽ có một quá trình dài thu gom, rất dễ mất an toàn về thực phẩm.

Để bảo quản được loại thực phẩm dễ bị hư hỏng như nội tạng, có thể cần phải dùng tới chất bảo quản thực phẩm. "Đặc biệt, với các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, rất có thể sử dụng chất bảo quản gây hại cho sức khỏe và tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường cho sức khỏe", bác sĩ Thiệu nói.

Cùng quan điểm với bác sĩ Thiệu, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cho hay đối với các thực phẩm như nội tạng được vận chuyển từ những nơi xa đến, phải cấp đông đúng quy trình để tránh gây hư hại, nấm mốc.

Lưu ý khi ăn lòng lợn

Hiện nay, có rất nhiều món ăn đường phố làm từ nội tạng với giá rẻ. Do đó, vị chuyên gia công nghệ thực phẩm cũng đặt ra mối nghi ngại về vấn đề tẩm ướp hóa chất có hại cho sức khỏe. Thường xuyên ăn nội tạng động vật ngoài hàng quán sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, chuyên gia nói. Trong trường hợp nội tạng được tẩm ướp chất bảo quản không được phép còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Bác sĩ Thiệu lưu ý khi sử dụng lòng, mọi người cần phải nấu chín để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và liên cầu lợn. Trong lòng còn có chứa một số vi khuẩn có hại, nếu không được chế biến chín rất dễ gây bệnh.

Kinh hoàng hình ảnh lòng lợn đổ đống ra sàn: 2 dấu hiệu cảnh báo lòng lợn bẩn, chớ có ăn- Ảnh 2.

Hạn chế ăn lòng nướng, chiên ngoài hàng quán.

Ngay cả với lòng tươi, có nguồn gốc rõ ràng, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên sử dụng nhiều. Trong 100g lòng lợn có khoảng 400mg cholesterol, ăn quá nhiều có thể gây ra dư thừa cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Người có bệnh lý mạn tính, tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu, gút, bệnh thận mạn, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế món ăn này.

Phân biệt lòng lợn sạch và bẩn

Dấu hiệu có thể cho thấy nội tạng động vật sạch

- Nội tạng ngon có màu tươi đặc trưng. Lòng lợn ngon có ống ruột căng phẳng phiu và tròn, ruột non có màu trắng hồng, nhẵn nhụi, không có mùi lạ.

- Sờ tay vào lòng lợn sẽ có độ đàn hồi, độ dẻo dính.

Dấu hiệu cảnh báo lòng lợn bẩn

- Lòng lợn có mùi, màu sắc nhợt nhạt, u cục.

- Lòng lợn có dấu hiệu bốc mùi hay mốc.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết nếu ăn lòng lợn bẩn, rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E. coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu khuẩn. Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm cấp tính.

Người dân chỉ mua lòng ở những cơ sở uy tín, hạn chế tối đa ăn lòng ngoài hàng quán. Người dân nên ăn lòng luộc thay vì chiên, nướng vì chiên nướng thường tẩm ướp gia vị nhiều, rất khó có thể phát hiện ra lòng lợn còn tươi hay không.


Theo Ngọc Minh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên